Vai trò doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Cập nhật: 31-10-2017 | 10:01:15

Cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) khu vực Đông Nam bộ và Ngân hàng Thế giới mới đây đã cho thấy nhiều bất cập của DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, các DN trong nước cần có bước đột phá mạnh mẽ hơn để có chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Sản xuất gỗ tại Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương (TX.Thuận An). Ảnh: DUY CHÍ

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo các chuyên gia, hiện nay các mô hình thương mại trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam cho thấy sư tập trung mạnh mẽ của khu vực. Các DN hoạt động trong nước đang có đóng góp quan trọng trong chuỗi cung ứng những sản phẩm ô tô, điện tử, nông nghiệp, dệt may và da giày. Theo ông Brian Mtonya, chuyên viên cấp cao của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ hoặc tiếp tục tăng trưởng như một nền tảng xuất khẩu cho chuỗi cung ứng toàn cầu và thực hiện công đoạn lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, hoặc có thể tận dụng được làn sóng tăng trưởng hiện tại để đa dạng hóa và thúc đẩy chuỗi cung ứng với các chức năng có giá trị gia tăng cao hơn. Nắm bắt cơ hội để thúc đẩy hình thành và phát triển, các DN nội địa sẽ năng động, sáng tạo và độc lập hơn trên thương trường.

Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương trăn trở, các DN trong nước hiện nay rất dễ rơi vào “bẫy” giá trị gia tăng thấp. Không gian cho các DN trong nước bị thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất do các DN hàng đầu thế giới (như Samsung, Ford, Toyota) trong chuỗi cung ứng toàn cầu thường sử dụng “nhà cung cấp toàn cầu” hiện diện khắp nơi trên thế giới. Về mặt lâu dài, khi các đối thủ cạnh tranh có giá thấp hơn (chẳng hạn như tiền lương) sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Việt Nam.

Hiện tỷ trọng các DN có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nguồn nguyên liệu, sản phẩm sản xuất trong nước còn khá thấp so với một số nước trong khu vực. Nguồn lực cung ứng phục vụ nhu cầu sản xuất tại chỗ khá thấp của Việt Nam sẽ gây nhiều khó khăn trong việc tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cần sự đột phá

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay thiếu sự liên kết chặt chẽ để phát huy nguồn nội lực. Chẳng hạn, việc thiếu các nhà cung cấp trong nước có khả năng cạnh tranh đồng nghĩa với việc các DN nước ngoài sẽ tìm kiếm ở nơi khác và liên kết với các DN khác để cung cấp nguồn đầu vào tương đương (về chất lượng, số lượng, đơn giá…).

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư U&I cho hay, DN trong nước có liên kết ở Việt Nam tỷ lệ người lao động có kỹ năng cao hơn và cung cấp nhiều hoạt động đào tạo chính thức hơn. Nguyên nhân khiến lực lượng lao động thiếu kỹ năng là do các công ty hàng đầu thế giới thực hiện các công đoạn có giá trị gia tăng cao ở nước ngoài, dẫn đến việc thiếu “học đi đôi với hành” cho các DN trong nước. Bình Dương cũng như các tỉnh, thành phát triển mạnh về công nghiệp cần có những bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và mở rộng quy mô của DN. Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Tường Văn (Đồng Nai) thì cho rằng, các DN khởi nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn vay. Nhiều DN than phiền khả năng tiếp cận nguồn tài chính của DN còn rất khó so với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các DN vừa và nhỏ chưa có sự đột phá mạnh mẽ để bắt kịp chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) cũng cần có sự đột phá để tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN. CNPT không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp, sản xuất thành phẩm cuối cùng phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng phí tổn đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu. Vì lý do này, CNPT không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng giới hạn trong một số ngành.

Muốn thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, CNPT phải đi trước một bước, tạo nên cơ sở hạ tầng để cung cấp sản phẩm đầu vào cần thiết cho các ngành công nghiệp lắp ráp. Bởi lẽ, bản thân các tập đoàn, công ty lớn về công nghiệp hiện cũng chỉ giữ lại trong quy trình của mình các khâu nghiên cứu, phát triển sản phẩm và lắp ráp, thay vì tất cả gói gọn trong một công ty hay nhà máy.

XUÂN VĨ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên