Vấn đề giáo dục, y tế được nhiều cử tri quan tâm, phản ánh

Cập nhật: 09-12-2015 | 08:55:22

Trước kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 18 khai mạc vào hôm qua (8-12), nhiều cử tri trong tỉnh đã gửi gắm những tâm tư có liên quan thiết thực đến đời sống xã hội của người dân. Trong đó, giáo dục và y tế là một trong những vấn đề được người dân quan tâm, phản ánh…


Các cháu ở các trường MN công lập được nuôi dạy, chăm sóc chu đáo.
Trong ảnh: Giờ ăn của trẻ tại trường MN 1-6 (TP.Thủ Dầu Một)

Tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động nhóm trẻ, trường tư thục

Với đặc thù là tỉnh phát triển công nghiệp, Bình Dương thu hút lao động từ các nơi về sinh sống, lập nghiệp. Cũng từ đây đã kéo theo nhu cầu học tập của con em lao động ngoài tỉnh. Chỉ riêng mầm non (MN) hàng năm tăng khoảng 8.000 - 10.000 cháu, từ đó kéo theo nhu cầu trường lớp tăng theo. Trong khi hệ thống trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thì các trường ngoài công lập phát triển mạnh, tập trung ở các địa bàn phát triển công nghiệp. Điểm chung ở các trường tư thục là số giáo viên còn thiếu so với nhu cầu, kỹ năng nghề nghiệp hạn chế. Do đó, phụ huynh rất lo về tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra, nhất là ở những cơ sở chưa được cấp phép. Đây cũng là nỗi lo lắng chung của cử tri. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó phòng giáo dục MN Sở GD-ĐT cho biết, đáng mừng là mấy năm nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục MN.

Trước tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra ở một số tỉnh, thành, ngành GD-ĐT đã có những động thái tích cực, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý đối với hoạt động của các nhóm trẻ, trường tư thục. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sở đã yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục phối hợp với các ban, ngành có liên quan rà soát, kiểm tra các cơ sở nuôi giữ trẻ chưa được cấp phép, hướng dẫn chủ các cơ sở này hoàn thiện các điều kiện để bảo đảm chăm sóc, giáo dục trẻ và được cấp phép thành lập. Trường hợp cơ sở không hợp tác, tham lợi, không đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, chưa bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng, sử dụng người giữ trẻ chưa qua đào tạo bồi dưỡng, thiếu trách nhiệm, cố tình vi phạm pháp luật, hoạt động chui, không đăng ký với chính quyền địa phương… UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo xử lý vi phạm, đình chỉ ngay, khắc phục tình trạng tồn tại các điểm giữ trẻ tự phát trên địa bàn.

Sở cũng phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ địa phương thành lập câu lạc bộ nhóm trẻ gia đình có quy mô dưới 10 trẻ. Phòng GD-ĐT các huyện, thị, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tham mưu quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ sở giáo dục MN tư thục; xây dựng mô hình trường MN công lập điểm về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở từng địa phương để làm nòng cốt hướng dẫn chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhà trẻ cho các cơ sở nhóm/lớp tư thục. Quán triệt trong đội ngũ nhà giáo và người nuôi giữ trẻ thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ.

Mong muốn đăng ký BHYT thuận lợi và an toàn thực phẩm

Trong những lần tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh vấn đề y tế, trong đó tập trung nhất là chế độ bảo hiểm y tế (BHYT). Cử tri phản ánh quy định về đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu đối với một số trường hợp như người hưu trí lớn tuổi, đi lại khó khăn, bắt buộc phải khám bệnh tại tuyến huyện hay những người dân ở gần khu vực có bệnh viện tỉnh nhưng không được đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh... gây khó khăn, bất tiện cho người dân. Nhiều lần đi thực tế, chúng tôi cũng nghe được ý kiến của bệnh nhân (hầu hết ở TP.Thủ Dầu Một) có mong muốn đăng ký ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đỡ mất thời gian làm thủ tục chuyển tuyến. Cử tri cũng kiến nghị ngành chức năng xem xét, giải quyết cho người dân được chọn đăng ký nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHYT

Cũng liên quan đến vấn đề BHYT, cử tri kiến nghị UBND tỉnh xem xét có chế độ hỗ trợ về BHYT và tạo điều kiện về vay vốn sản xuất cho các hộ là người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp họ có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Trả lời các ý kiến của cử tri, lãnh đạo Sở Y tế cho rằng khi triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn triển khai Luật BHYT, căn cứ vào tình hình địa phương, để tạo thuận lợi cho các đối tượng tham gia BHYT và các cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh (KCB) BHYT được cân đối, phù hợp với khả năng, tránh tình trạng quá tải; trên cơ sở thống nhất với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế đã có Công văn số 285/SYT-NV ngày 3-3-2015 quy định một số nội dung trong KCB BHYT trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định về đăng ký KCB ban đầu BHYT như sau: “Mọi người tham gia BHYT được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB không phụ thuộc địa bàn cư trú gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; bệnh viện/trung tâm y tế tuyến huyện và tương đương (bệnh viện ngành, bệnh viện đa khoa và phòng khám đa khoa tư nhân)”. Như vậy, mọi người đều có thể đăng ký KCB BHYT ban đầu tại bất cứ cơ sở y tế nào từ tuyến huyện trở xuống, kể cả bệnh viện các ngành, bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân, miễn là thuận lợi cho người tham gia BHYT (như gần nơi ở, đi lại dễ dàng).

Cũng liên quan đến BHYT, các đối tượng là người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; cựu chiến binh; người tham gia kháng chiến; cán bộ hưu trí; người từ 80 tuổi trở lên; cán bộ, công chức, viên chức khối tỉnh và huyện, thị, thành phố; đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; người nước ngoài thì ngoài các cơ sở KCB nêu tại các cơ sở y tế còn được lựa chọn đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”. Như vậy, những người hưu trí, người lớn tuổi (trên 80) như cử tri đã phản ánh đều được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm cũng được cử tri đặc biệt quan tâm. Bà con phản ánh một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Kiến nghị ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm tại một số trường học, nơi chế biến và cung cấp suất ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân.

Về vệ sinh thực phẩm trong trường học, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường có tổ chức bán trú tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ khâu nhập thực phẩm trong ngày. Hạn chế tối đa việc mua trữ, sử dụng dần hoặc bảo quản đông lạnh, rã đông chế biến cho trẻ ăn. Cấp dưỡng phải thực hiện nghiêm túc việc vận hành thực phẩm theo quy trình thực phẩm một chiều. Đặc biệt, kiểm soát được khâu an toàn vệ sinh thực phẩm đến khi tổ chức cho trẻ ăn tại nhóm/lớp. Cán bộ, giáo viên, đặc biệt là nhân viên các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn. Tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các đối tác cung cấp thực phẩm cho cơ sở để quyết định chọn đơn vị cung cấp thực phẩm bảo đảm chất lượng, uy tín, minh bạch và có tính pháp lý. Tăng cường công tác phối hợp với y tế địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nuôi giữ trẻ tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ.

Các ý kiến khác của cử tri cũng đã được lãnh đạo Sở GĐ-ĐT, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp thu, có văn bản trả lời cũng như trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 18. Hy vọng những vấn đề mà cử tri quan tâm sẽ được kịp thời chấn chỉnh để người dân yên tâm.

HỒNG THÁI - QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4963
Quay lên trên
X