Mùa xuân mới đang len lỏi khắp nơi, với bà con đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) các địa phương trong tỉnh chuẩn bị đón tết cổ truyền là công việc không thể thiếu bởi ngoài tết của dân tộc mình, họ đã hòa nhập để vui đón tết cổ truyền cùng dân tộc. Mỗi dịp tết đến, họ vui mừng, hạnh phúc khi một năm cũ đã qua đón một năm mới với nhiều thắng lợi.
Một năm an lành
Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, đi về các ấp ở huyện Phú Giáo nơi có đông ĐBDTTS sinh sống không khí đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 len lỏi vào từng ngôi nhà. Gặp chúng tôi, ông Kim Minh Thành, dân tộc Khơ-me, ấp Tân Thịnh, xã An Bình phấn khởi nói: “Một năm làm lụng vất vả, giờ người Khơ-me trong ấp đã có cuộc sống ổn định. Chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu 2017, nhà nhà mua đồ dùng mới, sửa sang nhà cửa; có người mua hẳn con heo để chuẩn bị đãi khách”. Ông Ngưu Bư, ấp Nước Vàng, xã An Bình cũng hồ hởi cho hay: “Mấy năm nay, nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước, bà con đã biết cách làm ăn, đẩy lùi được cái nghèo, cái lạc hậu. Cuộc sống được cải thiện nên tôi có điều kiện chuẩn bị rượu, heo, gà đón tết”.
Người Chăm tại xã Minh Hòa vui đến thánh đường đầu năm mới. Ảnh: T.L
Lễ hội cầu mùa của người Sán Chỉ. Ảnh: T.L
Về xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng gặp người Chăm nơi đây, chúng tôi đều cảm nhận niềm vui của họ sau một năm làm ăn ổn định. Với khoảng 80 hộ người Chăm, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của tỉnh, cuộc sống của bà con đồng bào Chăm cũng dần được cải thiện và phát triển. Họ phấn khởi trong một năm đầy may mắn. Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả người Chăm cho biết: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã giúp người dân vượt qua khó khăn, chuẩn bị một cái tết cổ truyền đầm ấm. Đời sống của người dân trong ấp từng bước được nâng lên nên tết năm nay bà con chuẩn bị chu đáo và phấn khởi hơn trước...".
Vui đón tết
Mặc dù đón tết cổ truyền cùng dân tộc nhưng cách đón tết của ĐBDTTS có những nét riêng. Đối với người Chăm, những ngày Tết Nguyên đán họ ăn mặc đẹp và cùng nhau cầu nguyện, đọc kinh Koran. Tại gia đình, họ chuẩn bị những món ăn đậm chất của ĐBDTTS. Ông Môha Mách, người Chăm sống tại phường Bình An, TX.Dĩ An tâm sự: “Tết đến, ai cũng may đồ truyền thống của dân tộc Chăm để mặc. Mặc đồ để đi chơi tết, đón xuân mới. Tết là dịp để người dân đi lại thăm viếng, chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt; hỏi chuyện con cháu học hành. Sau những ngày lao động vất vả, nhà nào cùng dành dụm, chuẩn bị đón tết...”
Cũng sửa soạn mâm cỗ, may quần áo mới đón Tết Nguyên đán như người Kinh nhưng người Sán Chỉ tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo còn có lễ hội riêng của mình. Vào ngày mùng 6 tết, họ tổ chức lễ hội cầu mùa đầu năm mới. Đây là lễ hội truyền thống với mong muốn cầu cho một mùa bội thu, một năm mới bình an hạnh phúc đến với muôn nhà. Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ với các hoạt động cúng miếu, dâng hương cầu mùa màng bội thu, múa Tắc Xình mô phỏng hoạt động trồng tỉa đầu xuân, hát ví dân tộc, rước và dựng cây Còn. Phần hội bao gồm các hoạt động múa lân khai hội, biểu diễn văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân, tung Còn, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy, ném bi sắt, kéo co, giành cờ…
ĐBDTTS đông nhất trong tỉnh là người Hoa với gần 12.000 người, cũng giống như người Việt, họ đón năm mới theo lịch âm. Ngoài việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa với gam màu đỏ (lồng đèn, câu đối, giấy dán tường), các gia đình cũng chuẩn bị làm các món ăn để ăn và đãi khách, biếu bạn bè, người thân trong ngày lễ này như: thịt viên, bánh tổ, sủi cảo, vịt quay… Tết đến cũng là dịp để con cháu sum vầy, tụ họp cùng nhau, chia sẻ những buồn vui, công việc trong năm qua.
Dù phong tục tập quán của các ĐBDTTS sống trên địa bàn tỉnh có những điểm khác nhau nhưng tất cả mọi người đều đang rất háo hức chờ đón tết cổ truyền để được sum họp cùng bà con, họ hàng và cùng chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong những ngày đầu xuân, mong muốn đất nước ngày càng ổn định và phát triển.
"Để nhân dân vui xuân, đón tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi, đặc biệt là ĐBDTTS hiện các ngành chức năng của tỉnh cùng với các huyện, thị, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào vui tết. Trên cơ sở đó, tỉnh có mức hỗ trợ cụ thể đến từng đối tượng, với quan điểm tất cả ĐBDTTS đều được đón tết đầy đủ, đầm ấm. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để đồng bào vui tết cổ truyền giàu bản sắc dân tộc".
(Ông PHAN NGỌC CỦA, Phó Trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh)
THIÊN LÝ