Một trong những ham muốn của Bác Hồ lúc còn sinh thời là ai cũng được học hành. Ghi nhớ lời dặn của Bác, chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Riêng với ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh, sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà tiếp tục phát triển, trong đó phải kể đến những đóng góp đáng kể của toàn xã hội trong sự nghiệp trăm năm trồng người.
Trường lớp phát triển
Chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, nhiều năm qua, toàn xã hội đã tiếp tục sát cánh với ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong việc đầu tư xây dựng trường lớp, chăm lo cho giáo viên, học sinh qua hoạt động khuyến học - khuyến tài. Công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục được các cấp chính quyền quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ đã từng bước đa dạng hóa loại hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng ở các bậc học.
"Xã hội hóa giáo dục được xem là yếu tố không thể thiếu để chấn hưng giáo dục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, tỉnh Bình Dương càng phát triển thì yêu cầu về xã hội hóa giáo dục ngày càng cao". (Ông ĐẶNG MINH HƯNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) |
XHH giáo dục phát triển mạnh nhất là giáo dục mầm non (MN). Từ sự đóng góp của toàn xã hội, quy mô, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân cùng tham gia hoạt động giáo dục, đến nay tỉnh đã giao đất, cho thuê đất khoảng 72.000m2 đối với 16 cá nhân, doanh nghiệp để xây dựng 16 trường MN tư thục, thu nhận hơn 150 nhóm/lớp với khoảng 6.000 trẻ tại các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp. Từ sự chung sức của Nhà nước và nhân dân, hiện nay, toàn tỉnh có 304 trường MN, trong đó có 194 trường tư thục và 435 nhóm/lớp MN độc lập tư thục. Trường lớp phát triển rộng khắp, hầu hết trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh đều được đến lớp, được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục bán trú và học 2 buổi/ngày, được chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 tiểu học. Công tác XHH giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục MN, tạo động lực cho cấp học này ngày càng phát triển vững chắc, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, giúp họ an tâm làm việc, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bà Nguyễn Hồng Sáng (giữa), Giám đốc Sở GD-ĐT trao giấy khen cho những giáo viên, học sinh giỏi trong năm học 2015-2016. Ảnh: H.T
Có thể khẳng định, giáo dục ngoài công lập đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển quy mô mạng lưới trường lớp toàn tỉnh, góp phần giảm áp lực cho các cấp học, nhất là MN. Nguồn kinh phí XHH đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh.
Xã hội cùng chăm lo
Với đặc thù là tỉnh phát triển công nghiêp, việc đào tạo nguồn nhân lực là một trong những mũi đột phá nhằm phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Xuất phát từ nhu cầu ấy, các trường thuộc khối chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Ngoài trường đại học (ĐH) công lập là trường ĐH Thủ Dầu Một, các trường ĐH ngoài công lập như: Bình Dương, Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, Quốc tế Miền Đông… là những địa chỉ đào tạo đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp của tỉnh. Hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp cũng đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cung cấp cho các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện XHH giáo dục, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, sở tạo mọi điều kiện thuận lợi hướng dẫn thủ tục, khuyến khích đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ để các trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục phát triển. Hệ thống các trường ĐH, CĐ, TCCN ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nuớc trong việc đầu tư phát triển GD-ĐT.
Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập từng bước được nâng cao, được xã hội chấp nhận. Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, XHH và hội nhập quốc tế, một số trường đã hợp tác với các tổ chức, các trường ĐH nước ngoài trong việc đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên.
Chung tay chăm lo cho giáo dục, ngoài chung sức với ngành trong việc phát triển cơ sở vật chất trường lớp, các tổ chức kinh tế - xã hội còn hỗ trợ vật chất để tiếp sức cho những học sinh nghèo hiếu học. Thông qua quỹ học bổng khuyến học - khuyến tài các cấp, hàng năm, các đơn vị đã trao học bổng, khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi, trao quà cho học sinh nghèo hàng tỷ đồng. Hoạt động này đã chắp thêm đôi cánh ước mơ về một tương lai tươi sáng cho các em ở khắp mọi nơi. Chỉ tính riêng trong năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT đã trao học bổng cho 581 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi với 884 triệu đồng, Hội Khuyến học tỉnh và các nhà hảo tâm đã trao 1.158 học bổng trị giá gần 1,6 tỷ đồng.
XHH giáo dục là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Công tác XHH giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được đẩy mạnh, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
HỒNG THÁI