Năm 2016, thế giới sẽ còn nhiều biến động?

Cập nhật: 04-02-2016 | 12:51:38

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) đã công bố báo cáo “Dự báo tình hình thế giới 2016” với các nội dung đáng chú ý về tình hình các khu vực châu Âu, châu Á, Trung Đông và những thách thức đối với Mỹ. Năm 2016, các cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trên khắp thế giới: Sự quyết đoán của Nga và cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu; Trung Quốc cải tạo đảo đá ở biển Đông và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên ở châu Á; tình hình bạo lực ở Trung Đông và Mỹ dường như luôn ở thế phòng ngự trước những thách thức này.

 Mỹ đứng trước nhiều thách thức

Không giống như thời chiến tranh lạnh, Mỹ không phải đối diện với một thách thức toàn cầu mà là một chuỗi các thách thức khu vực. Mỹ tuy vẫn là số một thế giới nhưng ở từng khu vực, vị trí của Mỹ chỉ là thứ hai, thứ ba. Vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ đang bị lung lay. Trật tự thế giới do Mỹ đề xuất và thực hiện đang bị thách thức.

Điều này là do Mỹ đã quá tự tin và phi thực tế trong hơn 1 thập niên qua. Để đánh giá đúng vai trò của Mỹ trong cục diện hiện nay, cần dựa trên 3 nhân tố cơ bản: Một, Mỹ vẫn là siêu cường số một thế giới nhưng ảnh hưởng đã bị giảm sút; hai, Mỹ vẫn phải kiên định theo đuổi những giá trị cơ bản của mình trong 70 năm qua: bảo đảm an toàn của lãnh thổ và công dân Mỹ, giữ vững cam kết với các đối tác và đồng minh; bảo đảm trật tự tự do kinh tế toàn cầu; bảo đảm luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc tôn trọng quyền con người; ba, Mỹ cần chọn lựa đối tượng can thiệp trên thế giới. Tóm lại, đã đến lúc Mỹ cần thực dụng hơn, lựa chọn đối tượng can thiệp thay vì dàn trải ra khắp thế giới.

Cho dù không có chiến lược xoay trục của Mỹ thì Trung Quốc vẫn sẽ tạo ra căng thẳng trên biển Đông. Trong ảnh: Tàu Hải giám Trung Quốc hung hăng gây hấn với tàu kiểm ngư Việt Nam

 Hiểm họa IS

Xuất phát từ sự hoang tưởng, thù hận, bài ngoại, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đang thực hiện các hành vi man rợ nhất chống lại toàn thế giới. Hành động của IS và cơ cấu tổ chức của nó cho thấy IS hoàn toàn khác biệt với tất cả những tổ chức khủng bố trong lịch sử. Trong khi đó chiến lược của Mỹ đối với IS tại Syria và Iraq lại không hiệu quả, chỉ giải quyết “triệu chứng” của một vấn đề sâu xa, không giúp chấm dứt các cuộc xung đột tại Syria và Iraq. Sự tham gia của Nga cũng chưa mang lại kết quả đáng khích lệ khi họ chủ yếu tấn công các lực lượng đối lập nhằm củng cố chế độ Assad. Nếu muốn đạt được thành công trong cuộc chiến này, Mỹ cần một chiến lược chính trị rõ ràng đối với Iraq và Syria. Cụ thể: Mỹ cùng các đối tác hỗ trợ người dân Syria và Iraq thiết lập các cơ cấu chính trị và quân sự ở cả cấp chính quyền Trung ương và địa phương; Mỹ phối hợp với Syria, Iran, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình được triển khai tại Syria thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến; Mỹ cùng các đối tác vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu giúp Syria xây dựng một lực lượng an ninh đáng tin cậy.

Thỏa thuận hạt nhân Iran không đồng nghĩa với sự cải thiện lớn trong quan hệ Mỹ - Iran. Mỹ khuyến khích Iran thay đổi và phát triển nhưng không thể đi quá giới hạn, tác động xấu tới các đồng minh trong khu vực của mình. Do đó, trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Iran, Mỹ sẽ phải tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, thúc đẩy hỗ trợ quốc phòng, tập trận chung với các đồng minh. Bên cạnh đó, Mỹ cần tìm cách giải quyết mối quan hệ căng thẳng với Isarel, không để ảnh hưởng đến an ninh nước này.

Quan hệ đồng minh Mỹ - Israel đang thay đổi. Hai bên đang bất đồng trên nhiều lĩnh vực. Mỹ ngày càng khó bảo đảm cam kết bảo vệ Israel khi Israel đang phải đối đầu với những mối đe dọa phi đối xứng đến từ Hezbollah và Hamas, hay các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ Iran.

 Nga tìm cách gia tăng ảnh hưởng

Nga đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại châu Âu, giảm tối đa các thách thức tại những nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ, giành lại vị trí cường quốc toàn cầu mà Nga cho là mình xứng đáng có được. Tuy vậy, Tổng thống Nga Putin dường như không có một chiến lược cố định mà luôn tìm kiếm cơ hội trong các sự kiện. Tại Ukraine, Nga không muốn đẩy cuộc chiến lên mức cao hơn, nhưng cũng không cho phép Kiev có cơ hội ổn định và độc lập. Tại Syria, Nga vừa muốn phối hợp với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng lại vừa muốn bảo vệ chính quyền Assad. NATO cho rằng Nga gây hấn, Nga lo sợ NATO gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia của mình.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, quân sự và chính trị. Tuy nhiên, quan hệ Nga - Trung Quốc vẫn bị chi phối bởi sự mất lòng tin lẫn nhau và bị hạn chế bởi sự mất cân bằng giữa hai nước. Việc Nga tăng cường bán vũ khí cho các đối tác, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam, cũng mâu thuẫn với tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc.

Trung Quốc đang cố vươn lên

Nội bộ Trung Quốc đang có nhiều biến động. Trong bối cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (năm 2017) đã gần kề, sức ép đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ phía những đối thủ của ông đang ngày một lớn hơn. Để đối phó với tình hình này, ông Tập Cận Bình đã chọn lựa những cách tiếp cận chậm rãi hơn để bảo đảm quyền lực của mình. Do vậy, tình hình Trung Quốc hiện tại có thể gọi là “cải cách lạnh, chính trị nóng” và việc ưu tiên phát triển kinh tế theo đó cũng sẽ phải nhường bước cho việc ổn định tình hình chính trị trong nước.

Tuy nhiên, sự phát triển chậm lại của Trung Quốc đã kéo theo những ảnh hưởng xấu đến chính nền kinh tế Trung Quốc cũng như Mỹ và các nước khác trên thế giới. Thậm chí, sự lo ngại đối với nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc còn lớn hơn sự lo ngại đối với sự lớn mạnh trong tương lai của họ. Mỹ cần thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc để nước này đạt được những mục tiêu cải cách của mình. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng có thể là một mũi tên chỉ đường cho Trung Quốc để họ tiếp tục mở cửa nền kinh tế của mình. Nguy cơ va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc dù sao cũng mới chỉ là giả thiết, tuy nhiên nguy cơ Trung Quốc rơi vào bẫy thu nhập trung bình đã ở trước mặt và điều đó chỉ mang tới nguy cơ cho nền kinh tế thế giới.

Để củng cố vị trí của mình trên thế giới, Trung Quốc đã đề ra nhiều sáng kiến tài chính như thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), một vành đai một con đường... Tuy nhiên, khi nền kinh tế trì trệ, vị thế của Trung Quốc trong khu vực theo đó cũng giảm sút. Các nền kinh tế nhỏ vốn tránh né tranh chấp với Trung Quốc trong các lĩnh vực chủ quyền, biên giới lãnh thổ vì sợ Trung Quốc trừng phạt kinh tế, nay trở nên ít kiềm chế hơn do Trung Quốc không còn khả năng duy trì sức mạnh này. Mỹ, theo đó, cũng có cơ hội để củng cố vị trí của mình tại châu Á - Thái Bình Dương và có thể sẽ tiếp tục dẫn dắt cấu trúc an ninh khu vực trong nhiều năm tới.

 Những hành động hung hăng, nhạy cảm gần đây cho thấy, CHDCND Triều Tiên đang mong manh hơn vẻ bề ngoài của mình. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến ngày càng nhiều tin tức về thế giới bên ngoài lọt vào bên trong quốc gia này, khiến cho khoảng cách giữa Kim Jong Un và nhân dân ngày càng lớn và tính chính danh của chính quyền bị suy yếu. Trong năm 2016, để đàn áp sự chống đối, thể hiện uy quyền tuyệt đối của mình, Kim Jong Un có thể sẽ thực hiện hàng loạt những hành động khiêu khích quy mô nhỏ nhằm thể hiện sức mạnh quân sự nhưng không dẫn tới chiến tranh quy mô.

 

NHẬT HUY (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=489
Quay lên trên