“Vật cản” trong chính sách của Tel-Aviv

Cập nhật: 03-05-2012 | 00:00:00

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Israel MOSSAD đang trở thành nhân vật gây chú ý tại Israel khi liên tiếp xuất hiện trên các kênh truyền hình và đưa ra những phát biểu đi ngược lại quan điểm diều hâu chống Iran của ban lãnh đạo Israel. Phải chăng Meir Dagan muốn làm một "làn gió mới" tại Israel hay chỉ là một thứ "gió trái mùa"?

QMeir Dagan có tên cúng cơm là Meir Huberman, về sau cải họ là Dagan, sinh năm 1945, trong gia đình người Nga gốc Do Thái ở tỉnh Novosibirsk, miền Đông nước Nga. Ông nội Dagan  chết trong trại tập trung của phát xít Đức. Sau chiến tranh, năm 1950, gia đình ông rời Ba Lan và đến định cư tại Israel. Meir Dagan theo học ngành mỹ thuật và hội họa Đại học Tel-Aviv.

 Tấn công quân sự các cơ sở hạt nhân của Iran là sai lầm chiến lược của Israel. Dagan nhập ngũ trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Từ năm 1970 trở đi, Dagan được giao chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Sayeret Rimon, có nhiệm vụ bám sát, theo dõi người Palestine ở các vùng lãnh thổ Palestine. Từ đó, cuộc đời binh nghiệp của Meir Dagan gắn liền với các cuộc chiến nổi tiếng của Israel với các  nước láng giềng Arập trong khu vực Trung Đông, như cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, cuộc nội chiến tại Liban năm 1982.

Đúng 20 năm sau, tháng 8-2002, Dagan được Thủ tướng Ariel Sharon bổ nhiệm làm Giám đốc MOSSAD - cơ quan tình báo danh tiếng nhất, được người Israel tự hào xưng tụng là "thần thánh" nhất khu vực Trung Đông, có tham vọng vươn ra làm "ông trùm" trong ngành tình báo thế giới.

Đáng lẽ ra nhiệm kỳ Giám đốc MOSSAD của Dagan chỉ kéo dài có 5 năm, kết thúc vào năm 2007, nhưng ông đã 3 lần được gia hạn nhiệm kỳ và mới chính thức rời nhiệm sở vào cuối năm 2010, thay thế bởi Tamir Pardo. Với 8 năm lãnh đạo, phục vụ cho 3 đời Thủ tướng Israel, Dagan trở thành giám đốc tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử MOSSAD.

Dưới thời ông lãnh đạo, MOSSAD đã triển khai chiến thuật đầy tai tiếng mang tên "bắt rắn chặt đầu", chuyên truy lùng và ám sát các lãnh đạo, thủ lĩnh quân sự của các nhóm Hồi giáo chống Israel trong khu vực Trung Đông, như Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Liban.

Tai tiếng vang xa khi MOSSAD tiến hành vụ ám sát ông Imad Mughniyeh - Tổng tư lệnh quân đội của Hezbollah, và ám sát chuyên gia mua sắm vũ khí của Hamas, Mahmoud al-Mabhouh.

Đồng thời, MOSSAD cũng được xem là đóng vai trò nhất định trong chiến dịch mang tên Orchard vào tháng 9-2007 trong đó Israel cho máy bay chiến đấu lén ném bom một địa điểm ở Al-Kibar, đông bắc Syria, mà Israel cho là một "cơ sở hạt nhân bí mật". Tuy nhiên, về sau, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy tình báo Israel đã “bé cái lầm” và Tel-Aviv đã bào chữa cho hành động sai lầm của mình bằng cách... vu cáo CHDCND Triều Tiên cử chuyên gia đến giúp Syria làm giàu uranium(!?)

Trong vấn đề hạt nhân của Iran, Dagan lại tỏ ra là người theo quan điểm khá giống với Mỹ. Ông không ủng hộ việc Israel đơn phương tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran, xem đó là một sai lầm chiến lược.

Dagan ít nhất đã 3 lần lên tiếng chống lại ý đồ tấn công quân sự vào Iran của lãnh đạo Israel. Chẳng hạn, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí vào năm 2011, Dagan từng gọi kế hoạch tấn công quân sự đó là một "ý tưởng ngu xuẩn nhất" mà ông từng nghe thấy.

Tháng 3-2012, Dagan lại xuất hiện trên chương trình "60 phút" của truyền hình Mỹ phê phán chính sách diều hâu của Tel-Aviv và cả Washington. Báo chí quốc tế đánh giá quan điểm của Dagan là rất đáng quan tâm, vì ông là một người từng nhiều năm chỉ huy quân đội và lãnh đạo cơ quan tình báo quan trọng nhất của Israel, cho nên am hiểu các vấn đề địa chính trị khu vực hơn bất cứ ai ở Israel. Dagan không phủ nhận khả năng Israel phải dùng đến vũ lực quân sự để "xóa sổ" các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng ông nói rõ rằng, đó chỉ nên là chọn lựa cuối cùng sau khi mọi khả năng đều đã triển khai và không đạt mục tiêu.

Ngày 5-4-2012, Meir Dagan lại xuất hiện trên báo chí để bài bác việc dùng vũ lực chống Iran, và lần này, ông lại dùng từ "ngu xuẩn" để gọi hành động quân sự mà Israel định triển khai. Meir Dagan đã thể hiện rõ ràng nhất quan điểm mà phái bồ câu ở Israel ưa chuộng, đó là Israel sẽ sai lầm nếu cầm đầu một hành động quốc tế chống chương trình hạt nhân của Iran. Dagan nói: Israel nên "giao cho cộng đồng quốc tế" xử lý vấn đề Iran. Israel chỉ nên đứng đằng sau hưởng lợi.

Dagan đưa ra 3 lý do Israel không nên tấn công quân sự vào Iran: thứ nhất, cho dù hành động quân sự có gây tổn thất mấy cho Iran thì nó cũng không xóa sạch được cốt lõi của chương trình hạt nhân của Iran là kiến thức về cách chế tạo bom hạt nhân. Thứ hai, hành động quân sự của Israel không những không thể xóa được cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran mà còn châm ngòi cho xung đột có thể dẫn đến một "cuộc chiến khu vực", lôi kéo các nhóm Hồi giáo chống Israel vào cuộc, kể cả Syria. Và thứ ba là, một cuộc tấn công của Israel sẽ là liều xúc tác mạnh giúp cho xã hội Iran càng đoàn kết chặt chẽ hơn xung quanh ban lãnh đạo hiện nay của Iran, đồng thời sẽ là lý do xác đáng để Iran tiến hành chế tạo bom hạt nhân.

Theo phân tích trên tờ Jerusalem Post, Meir Dagan là đại diện tiêu biểu cho quan điểm và chính sách của cựu Thủ tướng Ariel Sharon đối với vấn đề Iran. Ông cũng là người am hiểu Iran nhiều nhất, am hiểu về lịch sử quan hệ giữa Israel và Iran trong nhiều thập niên của thế kỷ XX, từ khi các vị vua Iran còn tại vị cho đến nay. Bởi thế, khi lãnh đạo Israel để cho Dagan tiếp tục hay thôi làm Giám đốc MOSSAD là cách thể hiện cho thấy Tel-Aviv  thay đổi quan điểm như thế nào trong chính sách đối với Iran.

Dagan từ chỗ tưởng chừng bị mọi người "lãng quên", giờ bỗng trở nên được mọi người chú ý do quan điểm đi ngược lại Tel-Aviv. Đó giống như là cuộc lội ngược dòng nước để giúp cho đảng Likud của ông tránh phạm phải thêm một sai lầm nữa, như đảng này từng mắc phải khi đưa quân vào Liban, khi mạnh tay trấn áp các phái người Palestine và xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây sông Jordan và đàn áp quyền tự do, quyền được sống của người Palestine ở Dải Gaza.

Khi Dagan không được tiếp tục gia hạn nhiệm kỳ giám đốc MOSSAD cuối năm 2010, dư luận đã bàn tán đến việc ông ngày càng trở thành "vật cản" trong chính sách diều hâu của Tel-Aviv đối với Iran. Tuy nhiên, quan điểm và tiếng nói của ông ngay vào lúc này, khi Israel đang hăng hái đòi "đánh Iran", lại nhận được nhiều sự ủng hộ nơi công chúng Israel hơn chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Thăm dò dư luận cho thấy quan điểm của Dagan nhận được đến 60% ý kiến ủng hộ, trong khi Thủ tướng Netanyahu chỉ nhận được có 17%.

Dư luận cũng bàn tán đến khả năng Dagan muốn ra thách đấu Netanyahu trong các kỳ bầu cử sắp tới, kể cả chiếc ghế Thủ tướng Israel. Hiện tại, khả năng ông Dagan đương đầu với Netanyahu là rất khó, bởi uy tín của ông Netanyahu trong đảng Likud còn mạnh, còn Dagan thì với thành tích (trong quân ngũ) còn kém xa và quan điểm giống Mỹ trong vấn đề Iran thì chưa đủ sức để làm cuộc "lật đổ" ngoạn mục trong đảng Likud.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=400
Quay lên trên