Vì sao hàng hóa được sản xuất ngay tại địa phương nhưng rất nhiều sản phẩm của doanh nghiệp (DN) vẫn ít có mặt hoặc không bám trụ được với thị trường tại chỗ. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của DN nước ngoài vẫn cứ tràn lan. Phải chăng hệ thống phân phối đang là một trong những nguyên nhân chính tạo nên nghịch lý này? Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị
Câu chuyện phân phối
Trước hết nói về hàng hóa là các sản phẩm nông sản, nhiều trang trại ở Bình Dương được đầu tư xây dựng công phu từ quy mô, công nghệ chăm sóc đến giống cây trồng và cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về những khó khăn hiện nay của nhiều trang trại, điều khá bất ngờ không phải vốn, kỹ thuật hay thổ nhưỡng, khí hậu mà đầu ra mới là chủ đạo. Khi thu hoạch, các thương lái tìm đến ra giá, trả giá và gom hàng để đưa đi. Có điều, giá cả hàng hóa này thường bấp bênh, không có một mặt bằng nhất định, sau khi bán với giá đó các trang trại không đủ bù vào những chi phí đã bỏ ra, nhưng nếu không bán lại càng bí, đành phải chấp nhận. Thực trạng này cứ đẩy người nông dân và DN loay hoay mãi trong quẩn quanh nên chưa thể phát triển mạnh mẽ được. Trong khi đó, trên thị trường lúc nào cũng đầy rẫy hoa quả, trứng gà... ngoại nhập, nhiều nhất là từ Trung Quốc. Người dân đón nhận nhiệt tình hàng Việt tại các phiên chợ đưa hàng Việt về với nông thôn
Về các sản phẩm hàng hóa khác cũng tương tự, chẳng hạn như đồ chơi trẻ em, giày dép, vải vóc, gốm sứ, gạch men, sắt, thép... Ngoại trừ những DN lớn đủ sức lực xây dựng hệ thống phân phối như Tôn Hoa Sen, Vinamilk, Bitis, Viettien, An Phước... còn lại đa phần là DN nhỏ và vừa đành phải bó tay. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen từng nhấn mạnh rằng, nếu không có hệ thống phân phối thì Tôn Hoa Sen khó lòng mà bám rễ được với thị trường trong nước, chứ chưa nói tới ngoài nước. Do đó, hệ thống phân phối được Hoa Sen chú trọng xây dựng và xem đó là một thế mạnh trong sản xuất, kinh doanh. Vì thế, chủ động hoặc liên kết để xây dựng hệ thống phân phối là điều quan trọng và cần phải định vị được vị trí hợp lý mới đem lại hiệu quả. Muốn vậy, vẽ bản đồ phân phối là nhiệm vụ không thể thiếu.
Vẽ bản đồ phân phối
Nắm bắt được mấu chốt của vấn đề này, thời gian gần đây, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tiến hành triển khai xây dựng kế hoạch vẽ bản đồ cho một số tỉnh, thành nhằm xóa dần khoảng trống trên sân nhà cho các DN trong nước.
Để vẽ được bản đồ phân phối, BSA đã thành lập một nhóm gồm hàng chục người chuyên trách, lên kế hoạch và đi đến tận hang cùng ngõ hẻm của các địa phương để khảo sát, báo cáo và vẽ bản đồ. Tất cả những điểm bán hàng tấp nập, những khu chợ bỏ hoang, những kênh phân phối nhộn nhịp, những kênh vắng người hay mọi hệ thống bán lẻ, kho bãi, vận chuyển hàng hóa, hoạt động phân phối hàng hóa thực tế tại địa phương, siêu thị, đại lý, chợ... đều được ghi chép lại cụ thể. Sau đó, qua phân tích, xử lý sẽ phác họa được một bức tranh về thực trạng và quy mô thị trường hàng tiêu dùng tại địa phương. Đó chính là những con số biết nói.
Ở Bình Dương cũng vậy, có nhiều điểm bán hàng, chợ... chưa hợp lý nên khi xây xong có nơi gần như bỏ hoang. Trong khi đó, lượng công nhân rất đông, từ công nhân ở đô thị đến nông thôn như công nhân cao su, hàng ngày họ mua sắm ở đâu, như thế nào và chủ yếu mua sản phẩm hàng hóa Việt Nam hay nhập ngoại... cũng rất cần được quan tâm để DN, cơ quan chức năng định hướng xây dựng hệ thống kênh phân phối. Tại khu vực Dầu Tiếng và Phú Giáo có 2 công ty cao su lớn, là nơi quy tụ hơn 16 ngàn công nhân, chưa nói tới người dân địa phương. Vì thế, không thể thiếu kênh phân phối các sản phẩm, hàng hóa của DN trong nước tại đây nếu muốn bán được hàng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA từng nhận xét rằng, người dân đón nhận rất nhiệt tình tại các phiên chợ đưa hàng Việt về với nông thôn, nhưng khi kết thúc phiên chợ thì để lại một khoảng trống. DN không đưa hàng về nông thôn bán trực tiếp, người dân không biết tìm đâu để mua, trong khi ở chợ không có. Vẽ bản đồ phân phối cũng là cách giúp DN có được công cụ tính lại bài toán kinh doanh của mình.
Một thực trạng là trong khi các tập đoàn phân phối quốc tế đang mở rộng quy mô và hình thành các kênh phân phối một cách chuyên nghiệp thì các DN trong nước còn manh mún, thậm chí chỉ lo cạnh tranh nhau. Tại nhiều nước trên thế giới, bản đồ phân phối đã được triển khai thực hiện từ lâu. Riêng đối với Việt Nam, phương thức này còn khá mới mẻ và chưa được triển khai rộng khắp. Với tính năng của bản đồ phân phối, không chỉ DN mà các cơ quan quản lý Nhà nước nắm được mật độ, phân bổ các điểm bán hàng ở các quy mô khác nhau. Từ đó, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch ngành, nhất là lập quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại chủ yếu như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho, cửa hàng xăng dầu... Bản đồ phân phối còn hỗ trợ việc nắm bắt được dòng chảy hàng hóa, đề ra các giải pháp nhằm chống hàng giả, hàng lậu cũng như bình ổn được thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho DN chân chính phát triển. Trong thời gian qua, các DN Việt Nam nói chung bán hàng chủ yếu giao cho các đầu mối giao hàng, từ đó, lượng thông tin phản hồi thường không đầy đủ, thiếu chính xác.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dân số Bình Dương khoảng 1,5 triệu người, trong đó công nhân lao động chiếm số lượng lớn. Diện tích tự nhiên 2.695,22km2, chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước và khoảng 12% diện tích miền Đông Nam bộ. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, GDP tăng bình quân khoảng 14,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng cao... Với hàng ngàn DN trong và ngoài nước đang hoạt động tại 28 khu và cụm công nghiệp tập trung, tỉnh đang có nhiều tiềm năng phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ. Việc liên tục xuất hiện hệ thống phân phối, bán buôn bán lẻ nước ngoài ngày càng nhiều như Metro, Lotte, BigC... minh chứng điều đó. Đây cũng là những đối thủ có tầm cỡ và cạnh tranh gay gắt với các hệ thống của trong nước như Co-op Mart, Vinatex...
TRUNG ĐỒNG