Minh Hòa hiện ra trước mắt trong sự rộn rã, vươn mình của dáng phố. Những con đường đang được rộng mở. Những ngôi nhà khang trang mọc lên. Tất cả khoác cho Minh Hòa sắc màu no ấm…
Đường vào Minh Hòa hôm nay
Chọn đất, lập vườn
Về lại xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) trong những ngày nắng gắt. Đi lại con đường ngày xưa, anh bạn đồng nghiệp luôn miệng kể cho chúng tôi nghe về con đường vào Minh Hòa ngày trước. Từng kỷ niệm với vùng đất xa nhất huyện được anh “nâng niu” như một phần ký ức của cái nghề cầm bút. Đem hết trí tưởng tượng ra để hình dung về đoạn đường 20 km từ thị trấn Dầu Tiếng phải đi mất nhiều giờ mỗi bận đi tác để hiểu hết những nhọc nhằn của của người dân nơi đây. Minh Hòa hiện ra trước mắt trong sự rộn rã, vươn mình của dáng phố. Những con đường đang được rộng mở. Những ngôi nhà khang trang mọc lên. Tất cả khoác cho Minh Hòa sắc màu no ấm. Vẫn còn đó câu chuyện về những ngày gian khó với người dân nơi đây như lời nhắc nhớ để phấn đấu hơn, vươn xa hơn.
Ông Trần Văn Sộp (bên phải) say sưa kể lại những ngày gian khó
Nắng treo trên những ngọn xà cừ, len lỏi vào từng tán lá. Những con đường đất đỏ rộng dài đón chúng tôi vào bãi bờ ngát xanh của những vườn cây trái ven lòng hồ Dầu Tiếng. Chúng tôi ghé thăm trang trại tổng hợp của ông Trần Văn Sộp, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Minh Hòa Phát, một tấm gương điển hình trong việc năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất mà ngày ấy người dân cứ mặc định chỉ hợp với… cao su.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại hơn 20 ha gồm bưởi, nhãn, cam, quýt… ông Trần Văn Sộp vẫn không thôi nhắc về những ngày đầu rời quê hương Hải Phòng vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Những ngày đầu gian khổ, ông làm thuê, làm mướn đủ nghề nhưng cuộc sống vẫn không đủ ăn. “Rồi những ngày gian khó cũng qua đi. Cố tích góp tôi đã có được một ít vốn mua đất lập vườn cao su. Qua thời gian tích lũy, tôi lại tiếp tục mua thêm đất và chuyển đổi sang mô hình kinh tế vườn. Đến đầu năm 2013, nhận thấy cây có múi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình đã mạnh dạn tiên phong chuyển đổi vườn cao su thành vườn cây có múi đầu tiên trên địa bàn”, giọng ông như lạc đi khi nhắc về những ngày xưa cũ. Gần 30 năm bám đất, bám vườn, trời đã không phụ những ân tình của anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Vừa làm, vừa học, vừa nghĩ ra cách lấy ngắn nuôi dài, chờ ngày cây đâm chồi, nảy lộc là cả một đoạn đường thăm thẳm.
Con đường đi đến thành công chưa bao giờ trải đầy hoa hồng. Với lĩnh vực nông nghiệp, con đường ấy còn đầy rẫy những nhọc nhằn. Từ mô hình trồng cây có múi đem lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm của ông Trần Văn Sộp, bà con nông dân trên địa bàn xã Minh Hòa đã học, làm theo và hình thành hợp tác xã sản xuất với 12 thành viên, diện tích canh tác trên 98 ha, tín nhiệm ông Trần Văn Sộp làm phó giám đốc.
Giờ đây ông đã có kinh tế vững vàng, một cuộc sống gia đình sung túc, nhưng ông vẫn miệt mài làm cái việc “Vác tù và hàng tổng” khi chạy khắp xã chia sẻ kinh nghiệm cho bà con xã viên để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống và xây dựng quê hương Dầu Tiếng ngày càng giàu đẹp. Có lẽ hơn ai hết, ông hiểu rõ và đồng cảm với những gian truân của câu chuyện bắt đầu. Trong câu chuyện của ông, chúng tôi hiểu ký ức một thời vẫn vẹn nguyên. Đó là những ngày bám vườn không ngừng nghỉ, cái mà ông gọi là lao động bằng 200% sức lực của mình.
Sức sống mới làng Chăm
Tạm biệt trang trại xanh mướt, chúng tôi ghé lại ấp Hòa Lộc, ấp người Chăm tại Minh Hòa. Trước mắt chúng tôi các tuyến đường chính vào làng Chăm đã được bê tông hóa, những căn nhà khang trang mọc lên san sát, hầu như nhà nào cũng có xe máy, tivi, một số gia đình còn thấy cả xe ô tô…
Tìm về nhà anh Kho Sanh, Phó Giáo cả - Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Minh Hòa, chúng tôi định cáo lui khi nghe tin mẹ anh vừa mới qua đời nhưng anh vẫn giữ chúng tôi ở lại vì “việc chung”. Anh từ tốn mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi “Trên đường vào đây thấy hai bên đường nhà cửa người dân xây cất khang trang không? Rồi ông nói thay cho cầu trả lời: “Mà giờ này đóng cửa cả thôi. Đàn ông ra rẫy, đàn bà ra chợ, trẻ con đến trường”. “Những năm qua, đồng bào dân tộc Chăm nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo xã Minh Hòa và huyện Dầu Tiếng. Chúng tôi được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Nhờ vậy nên đến nay đời sống đồng bào dân tộc Chăm đã dần ổn định. 100% hộ dân đều có điện sử dụng, có nước sạch để dùng, đường vào trung tâm làng Chăm được nâng cấp, mở rộng. Toàn bộ con em đến tuổi đi học đều được đến trường”, giọng anh ẩn chứa cả niềm vui và tự hào.
Anh Kho Sanh trên chiếc xe chở trẻ em người Chăm đến trường bằng nguồn vốn vay ưu đãi
Gia đình anh vừa được vay 300 triệu đồng đầu tư xe 30 chỗ ngồi chở học sinh ra xã học. Chiếc xe đem đến cho gia đình anh thu nhập ổn định nhưng tôi hiểu điều anh vui sướng hơn là giúp được con em đồng bào mỗi ngày vượt tuyến đường xa 15km để đến trường. Cứ ngày 2 bận đi về, chuyến xe chở niềm hy vọng của bà con đồng bào đến những tương lai tươi sáng hơn.
Song song với phát triển kinh tế, người Chăm tại Minh Hòa còn chú trọng đến phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, người dân ý thức xây dựng đời sống văn hóa, không để xảy ra tệ nạn xã hội. Kết quả, ấp Hòa Lộc (Minh Hòa) 11 năm liền giữ vững danh hiệu Ấp văn hóa. Tại thánh đường là nơi các chức sắc, cùng toàn thể bà con tề tựu để học những điều hay, lẽ phải, “gìn vàng giữ ngọc” cho thế hệ mai sau. Và ở đó, có lớp học chữ Chăm được anh Kho Sanh phụ trách mấy năm qua cho các bạn đang tuổi đến trường. Điều đáng mừng là lớp học bây giờ đã có thế hệ người đứng lớp kế cận để lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Chăm. Và đó là điều mà những người lưu giữ “trầm tích văn hóa” như anh Kho Sanh rất đỗi tự hào. “Mỗi dịp lễ tết, cộng đồng người Chăm cùng nhau đến thánh đường cầu nguyện. Họ không quên giáo dục con cháu, ôn lại một năm đã qua với những việc làm được, chưa làm được để năm tới phấn đấu hơn nữa”, anh Kho Sanh cho biết.
Có lẽ thế nên dù Hòa Lộc hôm nay có đổi thay thì đâu đó trong những nóc nhà người Chăm vẫn giữ lấy một sợi dây văn hóa truyền thống bền chặt qua nhiều thế hệ. Ở đó, những nét văn hóa truyền thống độc đáo được lưu giữ qua từng tập tục, từng chiếc khăn che mặt của cô gái Chăm, chiếc váy của nam giới Chăm...
Cánh rừng, vườn cây như xanh thêm khi trời nhuộm ráng chiều. Xe lao vút trên con đường đã mở rộng, láng nhựa phẳng lì. Những gập ghềnh của ngày cũ bỏ lại. Minh Hòa đang ngày một khởi sắc, vươn xa…
TIỂU MY