Về phát triển nông nghiệp và nông thôn mới

Cập nhật: 12-05-2020 | 08:23:55

Dự thảo báo cáo chính trịnhấn mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là điều đúng đắn, chắc chắn mọi người đều tán thành. Điều này dẫn đến hai hệ quả về nhận thức:

Một là đừng e ngại khi tỷ trọng nông nghiệp (kỹ thuật cao) trong cơ cấu kinh tế nâng lên như thái độ thường có của chúng ta trước đây với nông nghiệp lạc hậu. Thực tế trong ngoài nước cho thấy, sự đóng góp cho GDP của nông nghiệp tiên tiến không hề nhỏ. Vậy thì GDP của Bình Dương vẫn rất cần có sự đóng góp quan trọng đó. Bình Dương chúng ta lại sẵn có nhiều tài nguyên phong phú cho nông nghiệp kỹ thuật cao. Tiềm lực và tài nguyên kinh tế cho nông nghiệp tiên tiến của Bình Dương là hiện thực và rất cần quan tâm khai thác. Do vậy, chúng ta cần xem xét lại các chỉ tiêu về nông nghiệp. Không nên “o ép” nông nghiệp phải giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế từ 2,51% xuống còn 2,5%. Dự thảo báo cáo chính trị lại “bắt” nông nghiệp phải giảm tốc độ (bình quân) tăng giá trị sản xuất ngành từ 3,8% / năm (của nhiệm kỳ trước) xuống chỉ còn 2,5%/ năm. Sao lại phải giảm tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp trong khi nông nghiệp tiên tiến của Bình Dương đang và sẽ phát triển mạnh mẽ. Giảm như vậy thì làm sao nông nghiệp của chúng ta có thể chuyển nhanh sang tiên tiến, thông minh,có giá trị tuyệt đối cao, đủ sức bình ổn, cân bằng khi có các sự cố kinh tế - xã hội xảy ra ở địa phương, vùng, khu vực.

Hai là giải quyết quan hệ biện chứng giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới (NTM). Các xã NTM rồi NTM nâng cao là thành tựu quan trọng của Bình Dương. Vấn đề là sẽ nâng cao NTM tới đâu, khi nào thì sẽ chuyển các NTM đó thành các đô thị. Như trên đã nêu, đô thị hóa còn là sự hình thành, mở rộng và phát triển của không gian và lối sống đô thị. Nếu xã NTM có không gian và lối sống đô thị đủ chuẩn thì nên hình thành đô thị, phấn đấu phát triển theo mẫu hình đô thị mới hậu công nghiệp, đặc biệt là đô thị vườn (garden city) hay đô thị sinh thái (Eco-city). Nhận thức này cần được vận dụng xem xét về NTM ở Bình Dương. Nói cách khác, chúng ta xây dựng NTM chính là để phát triển đô thị chứ không phải để duy trì nông thôn dù là NTM nâng cao tiêu chuẩn. Đơn giản là vì mọi lý luận của nhân loại, trong đó có chủ nghĩa Mác - Lênin đều công nhận rằng đô thị mới là văn minh: Đô thị là hiện tượng, là sản phẩm của văn minh; đô thị là nơi xuất phát, là động lực và cũng là trung tâm của văn minh. Chúng ta đang tiến đến văn minh, tất phải hướng đến đô thị, không hướng đến nông thôn, dù là nông thôn thông minh. (còn tiếp)

HUỲNH NGỌC ĐÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên