Về thăm những “địa chỉ đỏ” – Bài 3

Cập nhật: 02-02-2018 | 08:16:27

Bài 3: Phá xiềng, đứng dậy chói lòa

Trong lịch sử, Dầu Tiếng là vùng đất chịu nhiều sự bóc lột, đàn áp từ chính sách khai thác, vơ vét thuộc địa của thực dân Pháp. Cũng tại nơi này, từ khi Đảng ra đời, các phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân Dầu Tiếng đã nhanh chóng chuyển từ tự phát đến tự giác, ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc ở Nam bộ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày nay, tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Dầu Tiếng đã vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 Phá xiềng xích…

Có một tổng kết trong lịch sử đấu tranh của công nhân miền Đông Nam bộ đó là: “Trong thời kỳ trước năm 1975, nếu Phú Riềng là nơi mở đầu phong trào đấu tranh của công nhân cao su miền Đông Nam bộ thì Dầu Tiếng là nơi khởi đầu phong trào ấy đi hết cuộc kháng chiến giải phóng 30 năm”. Quả thật, trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước trong đấu tranh chống áp bức bóc lột, trong kháng chiến chống ngoại xâm và cả trong xây dựng phát triển, đội ngũ công nhân cùng nhân dân Dầu Tiếng luôn vinh dự nhận lãnh vị trí hàng đầu trong sự nghiệp chung của dân tộc và của địa phương.

Phát huy truyền thống anh hùng, huyện Dầu Tiếng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp. Trong ảnh: Một góc thị trấn Dầu Tiếng hôm nay. Ảnh: T.DŨNG

Vào đầu năm 1930, một cuộc đấu tranh lớn nổ ra ở Phú Riềng. Công nhân kéo cờ đỏ búa liềm và tập hợp trên 5.000 công nhân từ các làng về bao vây chủ sở mấy ngày liền đòi giải quyết các yêu sách. Mặc dù cuộc đấu tranh bị bọn chủ cấu kết với quân đội, binh lính chính quyền thực dân đàn áp, song công nhân Phú Riềng đã làm một sự kiện động trời, làm cho giới chủ Tây một phen khiếp đảm, lo sợ. Sự kiện Phú Riềng mùa xuân năm 1930 tác động mạnh đến công nhân ở các đồn điền cao su Dầu Tiếng. Đây chính là ngòi nổ mở đầu, phá tan sự im lặng của người phu đồn điền Dầu Tiếng bấy lâu nay bị đè nén, vây hãm trong ngục tối. Đầu năm 1930, hàng trăm công nhân các làng bỏ việc. Kẻ cầm dao, người vác xạc lai, vác cuốc kéo về chợ Dầu Tiếng. Lúc đầu còn lẻ tẻ từng tốp, về sau nhập cuộc thành đoàn người đông đúc vừa đi vừa hô lớn: “Soumagnac (tên chủ sở ở Phú Riềng vừa được điều về Dầu Tiếng) cút ngay! Không được cho công nhân ăn gạo ẩm, cá thối. Không được đánh đập công nhân...”. Mặc dù bị đàn áp, 2 người bị bắn chết nhưng công nhân không khuất phục, cuối cùng bọn chủ phải nhượng bộ.

Sang những năm 1931- 1932, đời sống công nhân đồn điền ngày càng khó khăn hơn vì giá cả ngoài thị trường tăng vọt trong khi công nhân luôn phải làm việc căng thẳng dưới sự giám sát, quản thúc của những người trông coi. Vì vậy, trung tuần tháng 12-1932, công nhân Dầu Tiếng lại đình công. Hơn 100 công nhân từ các làng cao su đồng tình nghỉ việc, kéo về trung tâm cùng với công nhân trong sở đến văn phòng chủ đồn điền. Vào tháng 3-1933, có đến 2.000 người đình công. Cuộc đấu tranh kéo dài mấy ngày liền, vườn cây bỏ hoang, nhà máy đình trệ sản xuất.

Từ những phong trào đấu tranh ấy đã sản sinh ra những “hạt giống đỏ”, những công nhân trung kiên đi đầu trong phong trào đấu tranh. Khi phong trào công nhân ngày một phát triển mạnh, đòi hỏi phải có một tổ chức cách mạng để đứng đầu lãnh đạo quần chúng. Vì vậy, Thành ủy Sài Gòn đã cử các đồng chí Văn Công Khai và Nguyễn Văn Tiết về Dầu Tiếng tuyên truyền, xây dựng cơ sở, tiến tới thành lập chi bộ Đảng. Và cuối năm 1936, Chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn được thành lập gồm các đồng chí Văn Công Khai, Nguyễn Văn Tiết, Đặng Dân và Đinh Công Toàn. Đây là một bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở đây. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng thông qua chi bộ đồn điền.

Âm vang của phong trào công nhân Dầu Tiếng vẫn còn vang mãi khi đêm 24-8-1945 lịch sử, công nhân cao su Dầu Tiếng, nông dân xã Định Thành, nòng cốt là lực lượng Thanh niên Tiền phong, lực lượng tự vệ công nhân đã nhất tề nổi dậy. Trên tay dù chỉ tầm vông vạt nhọn, xà beng, giáo mác nhưng đoàn người cứ thế tiến vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su, các cơ sở sản xuất, nhà chủ, sếp, xu cai… của bọn chủ Tây mà đến. Cùng với lực lượng Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc, người dân Dầu Tiếng ào ạt vùng lên bao vây đánh Nhật, kháng Pháp giành chính quyền thắng lợi.

Phát huy truyền thống anh hùng

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, những năm qua, huyện Dầu Tiếng đã phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, đoàn kết, sáng tạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Sau gần 20 năm tái lập huyện, Dầu Tiếng từ một huyện nghèo đã từng bước vượt qua khó khăn, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tập trung chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển đúng hướng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt gần 11.900 tỷ đồng, tăng 14,88% so cùng kỳ, đạt 100,6% so với kế hoạch. Đến nay, huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100% và huyện đã được công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới”. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí đạ đạt theo bộ tiêu chí mới của Trung ương và của tỉnh.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội được huyện quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học và tốt nghiệp các bậc học đạt tỷ lệ cao, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội cho các đối tượng được quan tâm thực hiện. Huyện đã thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Quan tâm hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Chia sẻ về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 và những năm tiếp theo, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được và xác định những hạn chế, khó khăn, UBND huyện đề ra mục tiêu tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái ở xã Thanh Tuyền giai đoạn 2016-2020 và các dự án khuyến nông, các đề án nông nghiệp đã được phê duyệt. Phát triển các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao, các mô hình chăn nuôi trang trại, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp.

Trên lĩnh vực công nghiệp, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai xây dựng cụm công nghiệp An Lập và dự án mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung triển khai kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2018; tuyên truyền, vận động phát triển mới hợp tác xã, tổ hợp tác và quảng bá, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm hàng hóa của hợp tác xã vào tiêu thụ tại các siêu thị, chợ...

Phát huy truyền thống anh hùng, cùng với những định hướng phù hợp, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng sẽ quyết tâm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020.

Song song với thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, huyện Dầu Tiếng tiếp tục quan tâm đẩy mạnh các giải pháp giảm nghèo, hỗ trợ cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình; tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong ngành giáo dục; bảo đảm công tác thông tin, truyền thông, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; triển khai thực hiện tốt các chương trình ý tế quốc gia trên địa bàn huyện; tăng cường xã hội hóa đầu tư các công trình văn hóa, thể thao giải trí phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện.

 

TRÍ DŨNG 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=901
Quay lên trên