Để tình trạng bán phá giá gạo kéo dài, khiến gạo VN bị mất giá trên thị trường thế giới nhưng Hiệp hội Lương thực VN (VFA) chưa đề ra giải pháp kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp đăng ký hợp đồng khống giữ chỗ và đầu cơ giá
Vấn đề trên được các đại biểu nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác xuất khẩu gạo năm 2009 và triển khai mua vào lúa hàng hóa đông xuân 2009-2010 do VFA tổ chức ngày 2-3 tại An Giang.
Vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại
Theo báo cáo của VFA, giá gạo trắng 5% tấm của VN liên tục giảm từ 750 USD xuống còn khoảng 400 USD/tấn vào đầu năm 2009 và biến động quanh mức này trong năm 2009. Xuất khẩu gạo năm 2009 đạt 6,052 triệu tấn, trị giá FOB 2,463 tỉ USD, tăng 29,35% về số lượng và giảm 7,49% về trị giá FOB so với năm 2008.
Thu nhập của người trồng lúa còn bấp bênh
Giá gạo xuất khẩu bình quân cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 407,09 USD/tấn FOB. VFA cho rằng đó là thành tích lớn lao do đã chủ động chuẩn bị thị trường trong 6 tháng đầu năm và chủ động mua vào vụ hè thu, kịp thời tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm mức lãi 30% cho nông dân (?!).
Dù vậy, trong báo cáo của VFA, ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, đã nhìn nhận nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, như: Chưa tạo được sự đồng thuận cao trong hoạt động xuất khẩu gạo; có nhiều ý kiến khác nhau về vai trò của VFA và công tác điều hành xuất khẩu gạo của VFA; chưa tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo; công tác điều phối còn chủ quan, bị động, mang tính giải quyết tình thế nên đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và gây khó khăn cho một số DN.
Đặc biệt, việc ngưng đột xuất việc đăng ký hợp đồng giao hàng trong 6 tháng đầu năm vào ngày 20-2-2009 của Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang đã tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của VFA. Bên cạnh đó, hoạt động của văn phòng VFA còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo thống kê, năm 2009 có đến 216 DN xuất khẩu gạo, trong đó có DN chỉ xuất khẩu 1 tấn gạo/năm (?!).
Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, chỉ rõ: “Bộ Công Thương, VFA vẫn chưa đề ra giải pháp kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ để tình trạng bán phá giá gạo của các DN trong nước kéo dài trong thời gian qua. VFA đưa ra giá sàn 400 USD/tấn trong khi nhiều DN bán với giá chỉ 380 USD/tấn nhưng vẫn không bị xử lý. Điều này đã làm gạo VN bị mất giá trên thị trường thế giới”.
Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phản ánh thêm: “Trong xuất khẩu, dự báo là tiên quyết nhưng chúng ta làm công tác thông tin thị trường không tốt. Ngay cả UBND các tỉnh, thành muốn nắm bắt thông tin cũng hết sức khó khăn”.
DN không muốn mua gạo tạm trữ
Cũng tại hội nghị, VFA đề nghị 30 DN thành viên triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (quy đổi) với giá lúa tối thiểu là 4.000 đồng/kg. DN mua tạm trữ sẽ được ưu tiên đi trước tại các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung.
Tuy nhiên, nhiều DN đã phản ứng kịch liệt. Ông Trần Hoàn Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Lương thực Dịch vụ Quảng Nam, phản ứng: “Trong kinh doanh, mua để bán chứ không có mua tạm trữ. Tại sao bắt DN phải mua tạm trữ cho nông dân, nếu trữ rồi bán lỗ thì ai bù lỗ? Việc mua lúa gạo dự trữ là nhiệm vụ của Nhà nước, sao lại bắt DN làm thay?”.
VFA cũng đang gom mạng lưới thu mua, xây dựng hệ thống hàng xáo, thương lái để làm lực lượng cung ứng cho DN. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Du lịch An Giang, cho biết hàng xáo mua bán tự phát, họ muốn mua đâu, bán đâu DN rất khó can thiệp, làm được việc này chẳng dễ dàng. Còn theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, để thực hiện được việc này cần phải tuyên dương, khen thưởng họ (thương lái) để gắn kết họ với DN (?!).
Phải hơn 4.200 đồng/kg, nông dân mới có lãi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Võ Trọng Nghĩa, đưa ra mức tính giá thành lúa rẻ bất ngờ: 2.200 đồng/kg, trong khi theo các nhà khoa học, giá thành phải từ 3.300 đồng-3.700 đồng/kg
Tại hội nghị, không hiểu căn cứ vào đâu, ông Võ Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đưa ra mức tính giá thành sản xuất lúa rẻ đến bất ngờ, chỉ 2.200 đồng/kg. “Với mức giá 4.000 đồng/kg lúa như hiện nay, nông dân đã có lời”- ông Nghĩa khẳng định.
Trong khi đó, theo tính toán của các nhà khoa học, giá thành sản xuất lúa từ 3.300 - 3.700 đồng/kg. Lâu nay, tính giá thành hạt lúa ta thường chỉ tính: Nước, phân, giống... nhưng thường tính không sát giá (tính thiếu) và năng suất thường hơi cao hơn thực tế.
Trong tính giá thành (giá vốn) còn thiếu hai phần quan trọng là công quản lý của chủ và tiền thuê đất. Nếu tính đủ thì chi phí sản xuất sẽ vượt qua mức 4.000 đồng/kg lúa.
Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nói: Bức xúc nhất hiện nay là giá lúa đang xuống. Giá thành sản xuất lúa mỗi địa phương mỗi khác, tùy thuộc vào loại giống sản xuất mà có giá khác nhau.
Theo 16 chỉ tiêu của các bộ, ngành đưa ra thì đã có 11 chỉ tiêu tăng giá như chi phí bơm tưới, phân, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp... Ở An Giang, giá thành sản xuất lúa năm 2010 tính bước đầu khoảng 2.740 đồng/kg.
VFA đưa ra giá mua không dưới 4.000 đồng/kg, nhưng theo tôi phải từ 4.200 đồng/kg thì nông dân mới có lãi.
Còn ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Hiện tại tỉnh còn hơn 700.000 tấn lúa. Mặc dù các công ty lương thực đã tăng cường các điểm thu mua theo giá quy định từ 4.000 đồng/kg nhưng thực tế triển khai chỉ một số nơi.
Nhiều nơi không triển khai và giá thu mua chỉ 3.700 – 3.800 đồng/kg. Nhiều người dân rất cần bán lúa nhưng không thể bán được.
(Theo NLĐ)