Với hành vi tấn công trọng tài chính Nguyễn Anh Vũ trong trận đấu tranh suất lên hạng Nhất giữa Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) và Phố Hiến vừa qua, cầu thủ Trần Quốc Tuấn của BRVT bị Ban kỷ luật VFF phạt 25 triệu đồng và cấm vĩnh viễn tham gia các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức.
Án thì đã có, người cũng phải nhận tội nhưng đằng sau bản án nặng tay này liệu có còn cầu thủ nào của bóng đá Việt Nam tái phạm nữa hay không? Câu trả lời khó và với những nhà quản lý của bóng đá nước nhà, họ vẫn chưa tìm được lời giải, làm sao để xóa bỏ tình trạng bạo lực sân cỏ, giúp bóng đá thật sự xanh, sạch, đẹp như mong ước. Kể từ sau bản án phạt cấm thi đấu vĩnh viễn dành cho trung vệ Chu Văn Mùi (Công an TP.HCM) với hành vi rượt đánh trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng, vì cho rằng vị vua áo đen này thổi ép đội nhà trong trận đấu với Đồng Tháp trong trận chung kết giải VĐQG mùa giải 1995-1996. Mãi tận 22 năm sau, bóng đá Việt Nam mới lại xuất hiện một bản án tương tự với hành vi tương tự. Nên nhớ, 11 năm sau khi chịu án phạt cấm thi đấu vĩnh viễn, ngày 22-11-2007 trung vệ thép một thời của bóng đá Việt Nam mới được VFF xóa án. Ngần ấy thời gian với Chu Văn Mùi có thể gọi là ác mộng. Bởi ngoài việc không được ra sân với niềm đam mê thì những uất ức dồn nén lên các ông “vua áo đen” khiến cho anh ít khi trải lòng về sự nghiệp quần đùi áo số của mình.
Bóng đá Việt Nam mất đi một trung vệ thép đúng nghĩa. Ngày được xóa án, người ta thấy Chu Văn Mùi tham dự vòng chung kết giải bóng đá CAND, thời điểm đó anh đã bước sang tuổi 40. Khi bóng đá đã ngấm vào máu, độ tuổi nào cầu thủ cũng có thể xỏ giày ra sân nhưng chơi ở đâu, sân khấu nào mới là câu chuyện đáng suy ngẫm. Ngược dòng thời gian, nhắc lại câu chuyện của trung vệ Chu Văn Mùi để nói đến bản án mới đây mà Ban kỷ luật VFF dành cho cầu thủ Trần Quốc Tuấn. Đội trưởng của BRVT không thuộc hàng sao số, không phải là thương hiệu trong làng bóng Việt. Nhưng bóng đá giúp anh kiếm tiền nuôi bản thân và lo cho gia đình. Phút bốc đồng, Quốc Tuấn đá bay sự nghiệp của mình và đá bay cả cần câu cơm nuôi sống gia đình. Cầu thủ người Nghệ An sai và anh đã trả giá cho hành vi của mình. Nhưng trọng tài, một thành phần của cuộc chơi ai sẽ là người xử lý? Câu trả lời muôn năm khó nhưng mãi mãi sẽ không tìm ra được câu trả lời.
Trong các án phạt VFF đưa ra có liên quan, trợ lý trọng tài Huỳnh Quốc Long cũng bị cấm tham gia các hoạt động do VFF quản lý, tổ chức 18 tháng, bị phạt 17,5 triệu đồng “do có hành vi xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với cầu thủ Trần Quốc Tuấn”. Với thời gian phạt và mức tiền phải đóng, Huỳnh Quốc Long vẫn còn cơ hội quay lại cầm còi. Riêng với Quốc Tuấn, cánh cửa với bóng đá đã đóng sập với anh sau buổi chiều muộn trong trận ấy.
Một ngã rẽ mới sẽ đến với Quốc Tuấn, nhưng bóng đá Việt Nam làm sao để xóa bỏ toàn bộ nạn bạo lực sân cỏ, cầu thủ rồi đội bóng tố trọng tài. Những hình ảnh xấu xí không còn tồn tại. Nếu làm được điều đó thì Quốc Tuấn cũng sẽ cảm thấy vui vì sau bản án dành cho anh là sự thay đổi
HÙNG CƯỜNG