Nhiều cha mẹ cho rằng nếu cho trẻ ngủ trưa, ban đêm trẻ sẽ ngủ rất muộn, ảnh hưởng đến ngày hôm sau. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, điều này không đúng.
Vậy vì sao nên cho trẻ ngủ trưa?
Ngủ trưa giúp trẻ nạp lại năng lượng sau suốt một buổi sáng vui đùa. Ảnh: Aboluowang.
Lấy lại sức lực
Nhiều bậc cha mẹ thấy trẻ nô nghịch cả ngày, thậm chí không ngủ trưa cũng không thấy chúng mệt mỏi. Điều này dẫn đến suy nghĩ rằng trẻ nhiều năng lượng, không ngủ trưa cũng không sao. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng vậy. Thậm chí có những bé phát sốt sau một ngày vui chơi.
Vào mùa hè, ngày dài, đêm ngắn, nếu bạn không cho trẻ ngủ trưa, bạn có thể thấy rõ rằng trẻ có dấu hiệu xuống sức vào buổi chiều.
Trên thực tế, trẻ em hay người lớn đều cần có sự nghỉ ngơi và hoạt động hợp lý và kịp thời để bổ sung sức mạnh thể chất. Ngủ trưa là một giải pháp hiệu quả. Giai đoạn nghỉ ngắn này giúp trẻ nạp lại năng lượng sau suốt một buổi sáng vui đùa.
Thư giãn não và mắt
Sự tập trung lâu vào các hoạt động trong buổi sáng khiến não trẻ ở tình trạng hưng phấn liên tục. Vì thế, việc nghỉ ngơi vào buổi trưa giúp tình trạng hưng phấn này được xoa dịu, giúp não bộ giảm căng thẳng, giúp trẻ cân bằng và thoải mái hơn vào buổi chiều.
Thêm vào đó, trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, điện tử có thể trở nên nhức mỏi mắt. Việc ngủ trưa giúp đôi mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.
Đảm bảo thời gian cần và đủ cho sự phát triển cơ thể
Giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn phát triển cao nhất của trẻ, việc ngủ đủ giấc là điều kiện cơ bản để trẻ phát triển khỏe mạnh. Giấc ngủ trưa, dù ngắn, cũng góp phần bổ sung thời gian ngủ đủ, cho bé phát triển thể chất kể cả trong giấc ngủ.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho trẻ có một giấc ngủ trưa khoa học nhất, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
Thời gian ngủ trưa: Nhiều cha mẹ cho trẻ ngủ "đẫy mắt", ngủ đến vài tiếng đồng hồ. Điều này không chỉ phản khoa học, thậm chí khiến cho trẻ không dễ dàng đi vào giấc ngủ trong buổi tối, do đó ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt của trẻ ngày hôm sau.
Theo các chuyên gia về trẻ em, giấc ngủ trưa của trẻ chỉ nên kéo dài từ 20 phút tới 30 phút. Thời gian này đủ để cho phép não được nghỉ ngơi đầy đủ, giúp bổ sung sức mạnh thể chất, đồng thời không để đồng hồ sinh học của trẻ bị nhầm lẫn, do thời gian ngủ trưa quá dài.
Không vận động mạnh trước khi đi ngủ: Vận động mạnh trước khi ngủ trưa sẽ khiến trẻ khó ngủ. Thậm chí nếu trẻ chơi đến mệt lử trước khi đi ngủ, bé có thể bị chuột rút hay giật mình, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Kiểm tra miệng trẻ: Với trẻ bé, nên kiểm tra kỹ xem bé có ngậm gì trước khi đi ngủ không, ví dụ kẹo bánh, thạch, nho... Nhiều tai nạn đã xảy ra do bé ngậm đồ ăn trong miệng và ngủ trưa, dẫn đến ngạt thở.
Bổ sung nước cho trẻ sau khi ngủ dậy: Khi trẻ tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa, nên bổ sung cho trẻ một lượng nước nhất định, đặc biệt vào mùa hè, bởi trẻ đổ mồ hôi khi ngủ trưa và dễ mất nước.
Cha mẹ nên cho trẻ uống khoảng 200ml nước ấm khi bé thức dậy, giúp bổ sung nước và giúp trẻ tỉnh táo hơn.
Theo VNEXPRESS