Viết nên những kỳ tích

Cập nhật: 20-12-2013 | 00:00:00

> Bài 1: Tương Bình Hiệp - Vùng đất anh hùng

> Bài 2: Chánh Phú Hòa - Phát huy truyền thống xây dựng quê hương giàu đẹp

> Bài 3: Dĩ An - Viết tiếp trang sử vàng

> Bài 4: Vĩnh Tân - Phát huy truyền thống anh hùng

>  Bài 5: Thuận Giao -Nhiều dấu ấn

 Bài 6: Phước Hòa - Nhiều đổi thay

 Nếu như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng bộ và nhân dân xã Phước Hòa (Phú Giáo) đã viết nên những kỳ kích oai hùng thì hôm nay, Phước Hòa đã thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một điểm sáng ở huyện Phú Giáo và của tỉnh. Những vườn cao su thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang, những tuyến đường được bê tông hóa vững chắc… cho thấy sự đổi thay của vùng đất nơi đây.

 Oai hùng những chiến công

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Phước Hòa đã lập nên nhiều chiến công. Cuối năm 1946, Phước Hòa thành lập chi bộ Đảng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, Phước Hòa có hơn 100 thanh niên tham gia lực lượng vũ trang cách mạng, đóng góp nhiều lương thực nuôi quân. Sau Hiệp định Giơnevơ, nhiều cán bộ, đảng viên được phân công ở lại, có đồng chí ra công khai hợp pháp, một số đồng chí bí mật hoạt động.   Tuổi trẻ Phước Hòa luôn nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phước Hòa trở thành nơi địch kìm kẹp và đánh phá bằng bom đạn, càn quét, ủi phá, chà đi xát lại rất ác liệt. Nhưng Đảng bộ, quân và dân Phước Hòa đã vượt qua nhiều gian khổ, hy sinh, kiên cường không ngừng xây dựng, củng cố và giữ vững phong trào du kích chiến tranh, chiến đấu tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, giữ vững các con đường giao liên huyết mạch giữa chiến khu Đ qua căn cứ Long Nguyên, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Võ Văn Chinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Hòa nhớ lại: “Tôi từng tham gia chiến đấu tại Đại đội 301, bộ đội địa phương huyện Phú Giáo, Phân khu 5 (nay là tỉnh Bình Dương). Thời đó, quân và dân ta chiến đấu oai hùng lắm, người trước ngã xuống, người sau tiến lên để giữ vững phong trào du kích chiến tranh với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, mưu trí, sáng tạo; phát huy được thế trận lòng dân, xây dựng được nhiều cơ sở quần chúng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân đóng góp công sức cho cách mạng; giữ vững được căn cứ du kích ở Bàu Cỏ, Bến Trám…”.

Vào những năm 1960-1965, Đảng bộ xã Phước Hòa đã lãnh đạo quân và dân kết hợp 3 mũi liên tục tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Cuộc biểu tình chống Mỹ đầu tiên của nhân dân Phước Hòa giành thắng lợi ngay từ thời điểm quân Mỹ mới tới đóng căn cứ Phước Vĩnh chưa bao lâu có ý nghĩa quan trọng, tác động đến cả lính bảo an dân vệ đóng ở Phước Hòa.

Như trận vây đồn Bố Lá (7-1967), quần chúng đã vận động được hơn chục lính đóng đồn Bố Lá bỏ ngũ. Trước sự tiến công 3 mũi giáp công của ta đầu năm 1968, địch rút chạy khỏi Bố Lá, quần chúng phá rã hoàn toàn ấp chiến lược Bố Lá, lực lượng du kích liên tục đánh phá đoạn đường Cổng Xanh đi cầu Sông Bé.

Trong đợt cao điểm hoạt động của huyện năm 1972, đội du kích xã đột nhập ấp Nhà Bò tấn công đồn dân vệ, diệt và làm bị thương 8 tên; phục kích đánh diệt bộ binh, cơ giới địch. Sau Hiệp định Paris năm 1973, đội du kích xã tiếp tục bám rừng căn cứ Bến Trám, Bàu Cỏ, sử dụng mìn cài đặt đánh địch ủi phá rừng, bảo vệ căn cứ, quần chúng. Tháng 5-1974, đội du kích xã phối hợp lực lượng trên tập kích bót Nhà Bò diệt gọn trung đội dân vệ, thu toàn bộ vũ khí. Đến 10 giờ 30 phút sáng ngày 30-4-1975, quân và dân Phước Hòa kéo cờ mặt trận tại trụ sở tề xã và nhà chủ sở cao su Phước Hòa tiếp quản sở cao su.

Viết tiếp truyền thống vẻ vang

Ông Lê Hành Quân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Hòa đã phát huy truyền thống đoàn kết, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Phước Hòa đã chiến đấu hơn 170 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 276 tên địch, phá hủy 26 xe tăng, xe bọc thép, xe ủi, đánh sập 2 nhà làng, phá rã 5 toán phòng vệ dân sự. Xã có hơn 600 thanh niên thoát ly tham gia cách mạng, hơn 300 liệt sĩ, 80 thương binh.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Hòa đã được trao tặng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba cho tập thể Đội du kích xã (1966) và thành tích xuất sắc trong phong trào du kích chiến tranh của nhân dân xã năm 1963-1965; hơn 160 liệt sĩ được truy tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba và nhiều huân chương khác; hơn 30 du kích xã, ấp được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy và cơ giới.

Đội du kích xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (tháng 12-1978). Xã có 6 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đảng bộ xã nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Năm 2013, UBND xã Phước Hòa lập hồ sơ đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn chống Mỹ cứu nước cho Đảng bộ và nhân dân xã Phước Hòa.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ năm 1995 đến nay, kinh tế - xã hội của xã có nhiều bước phát triển. Đời sống người dân ngày càng ổn định với mức thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm trong năm 2013. Công tác đền ơn đáp nghĩa được xã thực hiện ngày càng có nề nếp, thiết thực, với sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng. Hệ thống giáo dục gồm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và y tế đạt chuẩn quốc gia...

Phát huy những truyền thống vẻ vang của cha ông đi trước, Đảng bộ xã đã đạt thành tích nhiều năm liền trong sạch vững mạnh. Cán bộ, đảng viên được quần chúng tín nhiệm. Hệ thống chính trị không ngừng được xây dựng, củng cố và ngày càng phát huy vai trò; khơi nguồn và không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Ông Ngô Phú Cường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, cho biết phát huy truyền thống cha ông đi trước, đặc biệt là truyền thống vẻ vang của Đội du kích xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1978, Ban Chỉ huy Quân sự xã thường xuyên tổ chức trong toàn lực lượng tìm hiểu lịch sử truyền thống, tổ chức thăm hỏi và nghe các cán bộ lão thành cách mạng kể về truyền thống đấu tranh bất khuất của cha ông để giáo dục thế hệ trẻ có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống, chiến đấu, học tập. “Chúng tôi sẽ phấn đấu phát huy cao độ tinh thần xung kích, sẵn sàng cống hiến, xả thân cho cách mạng”, ông Cường chia sẻ.

Bài cuối: An Lập - Vươn lên cùng năm tháng

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=271
Quay lên trên