Nghề dạy học luôn được xã hội coi trọng, bởi những chuẩn mực về đạo đức và nhân cách của người thầy. Hơn thế, “Nghề dạy học là một nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”, như lời khẳng định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc còn sinh thời.
Có thể thấy, sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) luôn gắn liền với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì giáo dục có tính quyết định cho sự phát triển của đất nước nói chung, nên đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong mọi hoạt động. 35 năm qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành đã kiên trì vượt khó, đoàn kết, tận tâm, tận lực với nghề. Từ đó, sự nghiệp GD-ĐT tỉnh nhà có sự phát triển toàn diện.
Học sinh trường THCS Phú An (TX.Bến Cát) tặng hoa tri ân thầy cô
Thật vậy, được sự quan tâm, chăm lo của tỉnh, sự phối hợp của các sở ngành, đoàn thể và các địa phương, ngành GD-ĐT đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Tính đến năm học này, mạng lưới trường lớp các cấp học được quan tâm, đầu tư, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh (HS) các cấp, đáp ứng nhu cầu tăng thêm gần 30.000 HS mỗi năm. Toàn ngành hiện có 600 đơn vị, trường học, với trên 419.000 HS. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo, cán bộ quản lý được ngành quan tâm. Từ những yếu tố trên, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đã được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Các chỉ tiêu như phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học, PCGD trung học cơ sở, PCGD bậc trung học đạt kế hoạch đề ra; bảo đảm được phân luồng HS sau THCS. Song song đó, các cuộc vận động lớn của ngành, các phong trào thi đua được toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả, đã góp phần nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo toàn ngành nói chung.
Giáo dục phát triển thì đất nước hưng thịnh, điều đó là rõ ràng. Nhìn lại bước tiến của cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng trong hơn 42 năm qua kể từ sau ngày giải phóng, đã có sự phát triển toàn diện ở tất cả các lĩnh vực. Giờ đây, Bình Dương tự hào là tỉnh năng động, kinh tế phát triển mạnh mẽ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Rõ ràng, những đổi thay kỳ diệu ấy có công sức đóng góp to lớn của ngành GD-ĐT, sự nhiệt huyết, sống trọn với nghề của người thầy. Các thầy cô đã tự học, tự bồi dưỡng, làm chủ công nghệ, đồng thời giữ vững phẩm chất cao đẹp của nghề.
Đất nước ta đang trên đường hội nhập với khu vực và thế giới, do đó trọng trách của người thầy trong giai đoạn đổi mới càng được đặt nặng. Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, ngành quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Toàn ngành quyết tâm thực hiện nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống, để thầy ra thầy, trò ra trò. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm trang bị kỹ năng sống cho HS. Đội ngũ nhà giáo quyết tâm xây dựng hình ảnh của ngành giáo dục trước nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong phụ huynh HS và toàn xã hội.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ra sức phấn đấu xây dựng để trở thành thành phố thông minh, giàu đẹp theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Vì vậy việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành một nhiệm vụ chiến lược vừa có tính cấp bách, lâu dài, vừa có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi trọng trách này, từng thầy cô phải ý thức hơn nữa vai trò, trách nhiệm, vị trí xã hội và sự vinh quang nghề nghiệp của mình để tiếp nối truyền thống xây dựng đội ngũ lao động tri thức đáp ứng đòi hỏi thực tế của địa phương.
A.SÁNG