Trong thời gian gần đây, nhờ có định hướng phát triển tốt, môi trường đầu tư thông thoáng, ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) của Bình Dương liên tục nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh thu hút đầu tư ở lĩnh vực này.
Sớm định hướng trong thu hút vống đầu tư
Tại Bình Dương, CNPT bắt đầu phát triển nhanh từ năm 2005. Riêng CNPT ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh về số lượng doanh nghiệp (DN), giá trị sản xuất, doanh thu... và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến của tỉnh nhà. Hiện nay, Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử. Tỉnh cũng đã phát triển riêng một khu công nghiệp tại Bàu Bàng, rộng 300 ha chuyên về lĩnh vực CNPT để tăng cường thu hút nguồn vốn FDI.
Vốn FDI đang chảy mạnh vào CNPT tại Bình Dương. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP, TX.Thuận An). Ảnh: P.LÊ
Nhờ có sự chủ động trong việc thu hút phát triển CNPT nên Bình Dương được xem là một trong những địa phương hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi đến Việt Nam làm ăn. Ngành CNPT đang tạo tiềm năng và lợi thế lớn để DN của Bình Dương và vùng phụ cận chủ động giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Với lợi thế 28 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp và hàng trăm DN sản xuất hàng hóa lớn, Bình Dương trở thành một trong những trung tâm thu hút vốn FDI vào CNPT lớn nhất nước.
Ông Ngô Kiến Hoành, Chủ tịch Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại Bình Dương, cho biết Bình Dương là tỉnh có môi trường đầu tư tốt, hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại và có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, nên đã tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Bình Dương cũng đã chú trọng phát triển CNPT nên chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn có nhiều DN tìm đến đầu tư.
Những tín hiệu vui
Trong năm 2016, Bình Dương thu hút được 2,33 tỷ USD vốn FDI. Nếu tính từ đầu năm 2017 đến ngày 15-2, Bình Dương đã thu hút được gần 750 triệu USD vốn FDI; đến nay toàn tỉnh đã có 2.850 dự án FDI với tổng số vốn 25,7 tỷ USD. Không chỉ gây ấn tượng về số dự án thu hút thành công, mức đầu tư… Bình Dương còn thu hút thành công nhiều dự án đầu tư lớn, hứa hẹn tạo ra những thay đổi lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tính riêng trong tháng 1-2017, thu hút FDI của Bình Dương tăng tới 214% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng ghi nhận là, nhiều dự án có quy mô vốn lớn mới được cấp phép hoặc tăng vốn đầu tư hoạt động trong những lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư, đặc biệt là ngành CNPT. Điển hình như dự án của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A, chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm. Dự án của Công ty TNHH Sewoon Medical Vina (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore II-A có vốn đầu tư tăng thêm 33,9 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyên sản xuất thiết bị y tế...
Trong các dự án FDI mới được Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư , đáng chú ý là Dự án sản xuất sợi lốp KVT-1 của Công ty TNHH Công nghiệp Kolon Bình Dương (Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Bàu Bàng. Dự án này có vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD, chuyên sản xuất sợi lốp polyester HMLS bằng sợi có độ bền cao để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô. Cuối năm 2016, Kolon cũng đã ký bản ghi nhớ với tỉnh về việc triển khai Dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD trên diện tích 42 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng.
Nhìn chung, đa số các dự án có quy mô vốn lớn mới được cấp phép tại Bình Dương hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, CNPT… Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2017 và là một tín hiệu đáng mừng không chỉ cho ngành công nghiệp của tỉnh mà còn đáp ứng cho ngành công nghiệp cả nước.
KHÁNH VINH