Vốn Quỹ tín dụng nhân dân về với vùng xa

Cập nhật: 18-03-2022 | 08:16:59

 Thời gian qua, cùng với các nguồn tín dụng ngân hàng, hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đã đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các thành viên, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng xa.

 

Nhiều hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn từ Quỹ TDND. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Quỹ TDND Thanh Tuyền

 Thoát nghèo nhờ vốn vay

Anh Trương Minh Nguyện (ấp 1B, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, được nhiều người biết đến về sự mạnh dạn và chịu khó trong việc phát triển kinh tế gia đình trên mảnh đất nông thôn đầy khó khăn. Ngoài nhà cửa khang trang đang ở, dãy nhà trọ cho thuê xây dựng trên mảnh đất rộng rãi, thoáng mát cách nhà khoảng 300m, mỗi tháng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Anh Nguyện cho biết để mua được đất đai xây dựng phòng trọ cho thuê một phần nhờ sự “tiếp sức” của Quỹ TDND Phước Hòa. Cách đây hơn 10 năm anh Nguyện làm công nhân, đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống. Anh quyết định vay số vốn 30 triệu đồng bắt đầu tập tành kinh doanh đất. Thu nhập tăng dần, có vốn tích lũy, năm 2018 anh quyết định vay thêm 700 triệu xây 23 phòng trọ cho thuê. Ngoài ra, anh còn kết hợp chăn nuôi heo để tăng thêm thu nhập.

Cũng ở ấp 1B, anh Phạm Văn Lâm ngụ tại tổ 3 là khách hàng thường xuyên của Quỹ TDND Phước Hòa 16 năm nay. Anh Lâm tâm sự: “Thực sự tôi không nhớ rõ vay vốn từ Quỹ TDND bao nhiêu lần. Buổi đầu vay để nuôi heo, đến năm 2020 vợ chồng tôi quyết định vay thêm đầu tư vào cửa hàng vật liệu xây dựng. Hiện tại, mỗi tháng doanh thu từ cửa hàng khoảng 400 triệu đồng giúp ổn định cuộc sống, con cái được ăn học đàng hoàng. Thời điểm năm 2008, lãi suất vay còn cao, nhưng hiện nay đã thấp hơn nhiều, thủ tục lại nhanh gọn, cán bộ Quỹ TDND hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình nên người dân rất yên tâm”.

Ông Đoàn Văn Huân, Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Phước Hòa, chia sẻ: “Quỹ TDND hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi với mục tiêu chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên, thực hiện có hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Các thành viên có vốn nhiều hay ít đều có thể gửi vào, thiếu vốn thì vay. Trên địa bàn xã Phước Hòa những năm qua, người dân vay để sản xuất, kinh doanh cơ bản hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu năm 2021 chỉ chiếm 0,37%. Người vay nhiều nhất là 4 tỷ đồng, thấp nhất là 20 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Phú Giáo, trên địa bàn huyện hiện chỉ có Quỹ TDND Phước Hòa hoạt động, nhưng rất ổn định, an toàn, thu hút nhiều thành viên tham gia. Đầu năm 2022, Quỹ TDND Phước Hòa đã kết nạp thêm được 20 thành viên, nâng tổng số thành viên lên 4.379 với tổng dư nợ hơn 293 tỷ đồng.

Địa chỉ tin cậy của dân

Cũng là địa bàn vùng xa, hơn 25 năm nay, nguồn vốn từ Quỹ TDND Thanh Tuyền (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng) không chỉ đáp ứng được nhu cầu vay vốn của nhân dân mà còn là địa chỉ đáng tin cậy để người dân gửi vốn, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn về xã hội.

Hoàn cảnh của bà Trương Thị Loan, ấp Gò Mối, xã Thanh Tuyền ai biết đến cũng thương cảm. Ở cái tuổi xế chiều lẽ ra bà đã được an hưởng tuổi già, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt hàng ngày phải đi bán vé số kiếm sống. Gặp bà Loan ở ngay trụ sở Quỹ TDND Thanh Tuyền, bà bần thần tâm sự: “Cuộc sống vất vả, 2 bà cháu sống nương tựa vào nhau bằng nghề bán vé số. Mặc dù không phải là thành viên, nhưng mỗi lần tích góp được 1 - 2 triệu đồng tôi lại đem đến đây gửi vô thời hạn. Lãi suất chỉ 0,2%/năm nhưng để ở nhà chi tiêu rồi cũng hết. Đem gửi vừa yên tâm vừa tích lũy dần để phòng khi có rủi ro”.

Tương tự, anh Nguyễn Văn An, xã An Tây, cho biết anh là thành viên của Quỹ TDND Thanh Tuyền lâu năm, khi có tiền anh gửi vào quỹ và có thể vay bất kể khi nào. Ở nông thôn địa điểm giao dịch ngân hàng chưa nhiều, mỗi lần cần đến phải chạy lên huyện, nên anh quyết định gửi gắm niềm tin vào Quỹ TDND Thanh Tuyền vì được biết quỹ phục vụ cho cả người dân ở các xã lân cận.

Có thể thấy, với thế mạnh về sự am hiểu thành viên, cán bộ tận tình, nhiệt huyết, các Quỹ TDND trong tỉnh thực sự được xem là kênh huy động vốn vô cùng hiệu quả, đặc biệt là đối với các vùng nông thôn. Hiểu được bản chất hoạt động của Quỹ TDND là tương trợ lẫn nhau, kịp thời “trợ” vốn cho những người có nhu cầu nên ngày càng thu hút nhiều thành viên. Quỹ TDND không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, các Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh hoạt động đều có lãi. Ngoài ra, các Quỹ TDND cũng hết sức chú trọng đến chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dễ dàng tiếp cận được vốn vay, đặc biệt Quỹ TDND còn tham gia thực hiện nghiệp vụ cung ứng, chuyển tiền điện tử, giúp bà con tiết kiệm được thời gian, chi phí và bảo đảm an toàn khi gửi tiền”.

 Đến nay, toàn tỉnh có 10 Quỹ TDND đang hoạt động ổn định. Tổng nguồn vốn hoạt động đến thời điểm ngày 31-12-2021 gần 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là gần 52 tỷ đồng, vốn huy động tiền gửi tiết kiệm hơn 1.793 tỷ đồng, vốn vay 7,8 tỷ đồng, vốn khác 109 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm, ổn định đã giúp các Quỹ TDND chủ động cho vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống của thành viên.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=375
Quay lên trên