Với tinh thần tích cực sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang dần lấy lại được nhịp độ phát triển sau những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 đem tới, đồng thời vững niềm tin rằng kinh tế Việt Nam có triển vọng phục hồi tốt khi triển khai hiệu quả gói giải pháp phục hồi kinh tế tổng thể với quy mô 350.000 tỷ đồng và nhiều chính sách hỗ trợ giải ngân trong năm 2022 và 2023.
Để biến khó khăn thành hành động, mỗi DN phải nỗ lực đưa ra các giải pháp phù hợp để ứng phó với diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, không bị động trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và chiến lược Zero Covid của Trung Quốc. Những diễn biến đó khiến nhiều DN không đủ nguồn nguyên liệu sản xuất, giá năng lượng tăng, nguồn cung cấp máy móc, nguyên liệu từ EU giảm, giá tăng, hoạt động xuất nhập khẩu gặp trở ngại.
Trong tương lai gần, cộng đồng DN đồng thuận cho rằng việc triển khai đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ như giãn, giảm thuế, lãi suất ngân hàng đã có tác dụng vào thực tế DN. Theo ý kiến của cộng đồng DN, tâm điểm gói phục hồi kinh tế là tăng đầu tư công. Tinh thần là quyết liệt song cần cải cách các khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án để tăng tiến độ giải ngân nguồn vốn vào nền kinh tế, tạo động lực dẫn dắt đầu tư khu vực tư nhân và cả nền kinh tế phát triển. Cần đột phá về quy trình thủ tục, đặc biệt cần số hóa nhanh các hồ sơ lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, thanh toán dự án đầu tư công. Đơn cử như số hóa hồ sơ nghiệm thu và thực hiện nghiệm thu qua mạng thông qua chữ ký số.
Tất cả sẽ cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp phục hồi kinh tế của Chính phủ, nỗ lực của các địa phương và cộng đồng DN, kỳ vọng nền kinh tế sớm vượt qua thách thức, phục hồi tốt.
KHẢI ANH