Xã An Bình hiện có hơn 200 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đang sinh sống. Là xã được huyện Phú Giáo chọn làm điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng thực tế xã còn rất nhiều khó khăn và đang cần được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ...
Mặc dù trong những năm qua xã An Bình luôn được sự quan tâm đầu tư vì đây là vùng có đông ĐBDTTS sinh sống. Tuy nhiên, do là một xã vùng sâu vùng xa của huyện, địa bàn trải rộng, mật độ dân cư thưa thớt nên An Bình gặp không ít khó khăn khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Nếu đem so sánh các chỉ tiêu về NTM một cách căn cơ, An Bình mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng của xã đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu dân sinh, trong khi đó đây là một xã thuần nông, kinh tế phát triển chậm, đời sống của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,1% dân số. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiên Kim, Chủ tịch UBND xã An Bình, trăn trở: “Xây dựng NTM ở một xã có số ĐBDTTS cao nhất huyện như An Bình là vô cùng khó khăn. Mặc dù toàn Đảng bộ rất quyết tâm, nhưng để thực hiện được thì phải huy động cả hệ thống chính trị, từ xã đến các ấp cùng tham gia. Cái khó nhất của chúng tôi là việc nắm bắt khoa học kỹ thuật của ĐBDTTS rất chậm. Chỉ khi nào thấy người khác làm hiệu quả thì họ mới bắt đầu làm theo”.
Để xây dựng nông thôn mới, An Bình cần được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Điện, đường, trường, trạm là những tiêu chí quan trọng hàng đầu trong xây dựng NTM. Trong 5 năm (2005-2010), toàn xã An Bình đã làm mới được 35 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 25km, đầu tư bê-tông hóa được 1 tuyến kênh mương thoát nước. Đến nay, An Bình đang tiếp tục được huyện đầu tư xây dựng tuyến đường liên xã, hệ thống điện trung thế và hạ thế. Có thể nói, việc xây dựng giao thôn nông thôn ở xã An Bình là khá tốt, tuy nhiên nếu tính theo các chỉ tiêu của xây dựng NTM thì mới chỉ tạo được cái nền ban đầu. Theo ông Nguyễn Thiên Kim, hiện còn hơn 100 hộ thuộc các ấp Nước Vàng, Cà Na, Cây Cam... chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện toàn xã trong 5 năm qua đạt tỷ lệ 95%. Hầu hết các trường học của xã đều được đầu tư, trang bị ngày càng khang trang và đầy đủ hơn, phục vụ cho công tác dạy và học. Trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 2009. Về cơ bản, tình hình kinh tế - xã hội của An Bình trong những năm qua có nhiều bước chuyển khá rõ nét. Tuy nhiên, để xây dựng An Bình trở thành NTM thì còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân xã An Bình. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục xác định tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiếp tục hoàn thiện các con đường GTNT, có kế hoạch phát triển các tuyến đường sỏi đỏ thành đường tráng nhựa theo các chỉ tiêu NTM. Trong năm 2011, An Bình sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp theo hướng kiên cố và lầu hóa đạt chuẩn quốc gia; Phát triển rộng khắp mạng lưới điện ở vùng sâu vùng xa, ở những khu dân cư chưa được thụ hưởng điện lưới quốc gia và tiến tới xóa đồng hồ tổng; Quy hoạch xây dựng chợ tập trung và các văn phòng ấp còn lại bảo đảm các tiêu chí về xây dựng NTM.
Chủ trương xây dựng NTM của huyện Phú Giáo ở một xã vùng sâu như An Bình là một quyết định có tính chiến lược lâu dài nhằm đẩy mạnh phát triển, nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác dụng, hiệu quả của việc xây dựng NTM và cùng chung tay, góp sức phấn đấu để đến năm 2015 An Bình xây dựng thành công NTM.
ĐỖ TRƯỜNG