Hiện nay nông dân trồng cao su (CS) ở huyện Dầu Tiếng nói chung và xã Định An nói riêng đang khốn đốn vì bệnh vàng và rụng lá. Những vườn CS bị nhiễm bệnh ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chi phí cho việc phun xịt thuốc trị bệnh cho vườn cây.
Anh Phan Đình Hộ, ở ấp Đồng Sến, xã Định An hiện có 12 ha CS đang cho khai thác thì cả 12 ha đều nhiễm bệnh vàng và rụng lá. Anh Hộ cho biết, ngay sau khi phát hiện vườn cây bị nhiễm bệnh anh đã mướn người phun thuốc để trị bệnh. Chi phí bình quân cho mỗi ha hơn 1 triệu đồng cả tiền thuốc và công phun xịt. Sau khi phun khoảng nữa tháng thì lá CS bớt vàng và giảm rụng, tuy nhiên khi gần 1 tháng thì lại thấy CS bị vàng và rụng lá trở lại, có nhiều nơi còn bị vàng và rụng lá nhiều hơn. Thấy vậy, anh lại mướn người phun thuốc tiếp. Đến nay, bệnh vàng và rụng lá trên CS tuy có giảm nhưng vẫn tái diễn. Cũng theo anh Hộ, qua hai lần phun thuốc trị bệnh vàng và rụng lá cho 12 ha vườn cây, tổng cộng anh đã tiêu tốn gần 24 triệu đồng. Không chỉ tốn tiền trị bệnh mà năng suất vườn cây cũng bị ảnh hưởng nặng, sản lượng mủ khai thác được giảm nhiều so với trước. Nếu như trước kia một lát cạo anh thu được từ 40 - 50kg mủ, thì nay chỉ còn khoảng 25 - 30kg mủ. Trong khi đó hiện giá mủ đang tăng cao mà sản lượng lại giảm thì thất thu là rất lớn.
Nông dân chuẩn bị một đợt phun xịt thuốc phòng và trị bệnh và rụng lá cao suTương tự, chú Nguyễn Văn Đát, ở ấp Đồng Sầm, xã Định An cũng cho biết, nhà chú trồng khoảng 2 ha CS, thì cả 2 ha đều bị nhiễm bệnh vàng và rụng lá. Chú cũng đã thuê người phun xịt hai lần, mỗi lần hết 1,2 triệu đồng. Sau khi vườn cây nhiễm bệnh thì sản lượng mủ cũng giảm. Còn chú Lê Đình Vĩnh, ở ấp Đồng Sến, xã Định An thì cho biết còn khốn đốn hơn. Nhà chú trồng được 700 cây CS, trước kia một lát cạo được khoảng 50kg mủ thì nay chỉ còn chưa đến 30kg. Nguyên nhân sản lượng mủ giảm là do vườn cây của chú bị nhiễm bệnh vàng và rụng lá. Chú Vĩnh cho biết, cuộc sống gia đình trông chờ vào vườn CS, nay cả vườn bị nhiễm bệnh khiến sản lượng mủ giảm nên đời sống khó khăn hơn!
Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Định An cho biết, hiện toàn xã Định An có hơn 2.300 ha CS tư nhân, trong số này hiện đã có 183 ha bị nhiễm bệnh vàng và rụng lá. Trước tình hình bệnh đang lây lan mạnh ở các vườn CS trong xã và có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông dân, hội đã phối hợp với Công ty hóa nông Lúa Vàng (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) tổ chức hội thảo về căn bệnh này. Buổi hội thảo đã thu hút hàng trăm nông dân trồng CS tham gia để nghe tác hại cũng như được giới thiệu các loại thuốc phòng và trị bệnh này. Song song đó, hội còn tổ chức tuyên truyền vận động nông dân ở những vườn CS đã xảy ra dịch bệnh không nên bón phân sinh trưởng mà chỉ bón phân kali và rãi vôi. Vì nếu bón phân sinh trưởng thì cây sẽ ra lá non, dịch bệnh dễ lây lan tăng cường bón phân kali để làm cho cây và lá CS cứng thêm, rãi vôi để diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, những việc làm trên chỉ là giải pháp mang tính đối phó, để trị tận gốc loại bệnh này rất cần các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu loại thuốc đặc trị để cứu nông dân trồng CS trong những vụ mùa kế tiếp.
Bệnh vàng và rụng lá CS là do nấm Corynespora gây ra, bệnh lây lan do gió phát tán nấm gây bệnh trên lá, sau một thời gian ủ bệnh lá CS nhiễm bệnh sẽ có màu nâu, hình dạng xương cá dọc theo gân lá, gặp điều kiện thuận lợi chúng lan rộng và gây chết từng phần, sau đó là vàng và rụng. Bệnh gây hại quanh năm và trong suốt thời gian sinh trưởng. Theo khuyến cáo của Công ty hóa nông Lúa Vàng thì bà con nông dân cần sử dụng thuốc Hecxado 155 SC để phun xịt, do khi phun chỉ ở dưới mặt lá nên bà con nông dân cần pha thêm chất bám dính để thuốc đạt hiệu quả cao hơn. Đối với các vườn đã bị bệnh nên hạn chế bón phân đạm, đồng thời tăng cường bón kali và vôi. Một ha bà con bón từ 50 - 70kg kali và từ 200 - 300kg vôi để tăng sức đề kháng cho cây và làm phân hủy, ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh.
Hiện tại, nhiều nông dân khi thấy người khác thuê người phun xịt thuốc trị bệnh cho CS cũng làm theo nhưng không trị được bệnh, cây CS vẫn tiếp tục bị vàng và rụng lá. Nguyên nhân là do xác định sai bệnh và chọn không đúng loại thuốc. Hầu hết đều sử dụng thuốc trị bệnh vàng lá lúa, vì vậy khi phun xịt cho cây CS thì hiệu quả không cao.
HOÀNG MỪNG