Xã hội hóa (XHH) giáo dục ở Bình Dương ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy, Bình Dương từng bước đa dạng hóa loại hình trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần nâng cao chất lượng ở các bậc học.
Mỗi năm học, Bình Dương tăng hàng chục ngàn học sinh các cấp, chủ yếu là con em lao động ngoài tỉnh. Mặc dù Bình Dương quan tâm đầu tư xây dựng thêm trường mới, nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu học sinh tăng thêm. Chung sức với ngành chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ, các tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân đã đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, toàn tỉnh có 516 đơn vị, trường học; trong đó có 167 trường tư thục, tăng 90 trường so với đầu nhiệm kỳ.
XHH giáo dục phát triển mạnh nhất là giáo dục mầm non (MN). Quy mô, mạng lưới trường lớp tư thục phát triển khá nhanh, nhất là các địa phương tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như TX.Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một, qua đó đã giải quyết được nhu cầu gửi con của người lao động. Bà Phạm Thị Huệ Trang, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá, MN ngoài công lập đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển quy mô mạng lưới trường lớp MN trong tỉnh, tổ chức và hoạt động khá đa dạng với mức chi phí chăm sóc, giáo dục trẻ tăng giảm linh hoạt theo thời giá và khả năng của phụ huynh. Thời gian đưa đón, giữ trẻ rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện và mức sống khác nhau của người dân, từ đó đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt phụ huynh là công nhân lao động, giúp họ an tâm sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Trường MN Sao Bắc Đẩu (TX.Tân Uyên), một trong những trường ngoài công lập được tỉnh giao đất xây dựng trường
Ngoài đầu tư ở lĩnh vực MN, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trường ở nhiều cấp học. Sau một thời gian hoạt động, nhiều trường đã tạo được dấu ấn tốt, chất lượng giáo dục được nâng lên. Các trường như Nguyễn Khuyến, Việt Anh, Petrus Ký hàng năm có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đậu đại học khá cao.
Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT, đánh giá công tác XHH giáo dục phát triển, ngày càng có nhiều nguồn lực từ xã hội đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT. Khoảng cách về giáo dục giữa các địa bàn được rút ngắn. Kết quả trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh và các tỉnh, thành phía Nam, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập. Nhìn chung, các trường tư thục có cố gắng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trình độ nghiệp vụ. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc đầu tư phát triển GD-ĐT, tạo điều kiện đáp ứng tốt hơn nhu cầu được tiếp cận giáo dục ĐH của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao năng lực đào tạo của giáo dục ĐH và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cho tỉnh.
Chung tay chăm lo cho giáo dục, nhiều năm qua, các công ty, doanh nghiệp tiếp tục sát cánh với ngành GD-ĐT. Hàng năm, các lực lượng xã hội đã tham gia hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chăm lo đời sống giáo viên, trao học bổng cho học sinh. Chỉ tính riêng trong năm học 2014-2015, các tổ chức, cá nhân đã đóng góp cho ngành trên 14 tỷ đồng.
Công tác XHH giáo dục được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nhân dân đồng tình ủng hộ. Giáo dục ngoài công lập đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển quy mô mạng lưới trường lớp toàn tỉnh, góp phần giảm áp lực cho các cấp học, nhất là trường MN công lập. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh khuyến khích, đẩy mạnh XHH để tăng thêm nguồn đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học.
Thực hiện chủ trương XHH giáo dục, chỉ tính riêng bậc MN, đến nay tỉnh đã giao đất, cho thuê đất với khoảng 63.497m2 cho 13 cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng 13 công trình trường mầm non.
HỒNG THÁI