Xã Thanh Tuyền đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ địa phương sản xuất nông nghiệp chủ yếu thì nay Thanh Tuyền đã có sự thay đổi lớn khi thương mại - dịch vụ đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của xã.
Thanh Tuyền đã khác
Chỉ khoảng chục năm trước thôi, nông nghiệp Thanh Tuyền chiếm tới 70 - 80% trong cơ cấu kinh tế. Cây sao su, lúa, hoa màu, chiếm diện tích áp đảo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhà đã phần nào làm thay đổi bộ mặt xã Thanh Tuyền. Do địa phương không có thế mạnh để phát triển công nghiệp, huyện ủy Dầu Tiếng đã định hướng Thanh Tuyền bằng mọi giá phải chớp lấy thời cơ phát triển thương mại - dịch vụ “ăn theo” công nghiệp, đô thị để tăng thu nhập cho người dân.
Hoạt động mua bán sầm uất tại xung quanh khu vực chợ Bến Súc Ảnh: XUÂN VĨ
Thực tế cho thấy, các khu, cụm công nghiệp phát triển lân cận xã Thanh Tuyền trong thời gian gần đây đã giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Từ đó người dân bớt lệ thuộc thu nhập vào nông nghiệp và dần phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Hiện Thanh Tuyền có gần 1.000 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ, tập trung chủ yếu xung quanh chợ Bến Súc. Ngoài ra, chợ này còn phát triển tại khu vực trung tâm của xã Thanh Tuyền là một chợ nông thôn hoạt động khá sầm uất.
Quỹ tín dụng nhân dân xã Thanh Tuyền, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn từ Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã đang phát huy vai trò tích cực và đóng góp đáng kể vào phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương. Chỉ riêng Quỹ tín dụng Thanh Tuyền đã có hơn 3.000 thành viên, vốn hoạt động gần 230 tỷ đồng, cơ bản giải quyết tốt nhu cầu vay vốn của người dân để phát triển thương mại - dịch vụ, chăn nuôi... đến nay đóng góp của thương mại - dịch vụ chiếm gần 40% cơ cấu kinh tế của Thanh Tuyền và làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn Thanh Tuyền
Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 toàn xã là 41 triệu đồng. Một con số còn khá khiêm tốn nếu so với bình quân của cả tỉnh nhưng cũng là mức khá cao so với mặt bằng chung của vùng nông thôn Bình Dương. Sâu xa hơn, con số ấy cho thấy nỗ lực phát triển thương mại - dịch vụ đã phần nào giúp cải thiện mức thu nhập của người dân.
Tiềm năng còn lớn
Quán cafe máy lạnh Mango mới mở ở gần chợ Bến Súc. Chủ quán là một thanh niên còn khá trẻ tên Hoàng Khánh Dương. Theo anh Dương, quán cafe máy lạnh vốn chỉ quen thuộc ở các trung tâm đô thị, bởi vùng nông thôn người ta chỉ quen với cafe cóc, cafe vỉa hè. Quyết định kinh doanh cafe máy lạnh tại Thanh Tuyền của anh Dương khá liều lĩnh, nhưng sau 6 tháng, quán đã đi vào nề nếp, khách hàng ổn định. Theo anh Dương, đời sống người dân địa phương được nâng lên, kéo theo nhiều nhu cầu khác. Không những cafe máy lạnh, các dịch vụ mua sắm, giải trí chất lượng cao cũng sẽ xuất hiện tại Thanh Tuyền trong thời gian không xa.
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền, cho biết địa phương đang quyết tâm tới năm 2020, thương mại - dịch vụ và công nghiệp sẽ chiếm 70 - 80% cơ cấu kinh tế (trong đó thương mại - dịch vụ là trên 50%). Để đạt được mục tiêu này, Thanh Tuyền đang kết hợp với các ngành, các cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về đầu tư, một phần giải quyết việc làm, một phần mở đường cho thương mại - dịch vụ tăng tốc.
Chợ Bến Súc hiện nay theo phản ánh của nhiều tiểu thương đã trở nên chật chội, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Rất may, xã Thanh Tuyền đã có sự quan tâm của cấp huyện, cấp tỉnh. Chủ trương xây dựng mới chợ Bến Súc đã được tỉnh chấp thuận, dự kiến cuối năm 2018, chợ Bến Súc sẽ được khởi công xây dựng mới với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng
Thanh Tuyền có vị trí khá đắc địa, là cửa ngõ giao nhau giữa Dầu Tiếng với TX.Bến Cát và huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) lại nằm lân cận các khu, cụm công nghiệp lớn nên hội đủ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi” để xã nhà hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và từng bước cởi bỏ “lớp áo” nông thôn, trở thành một đô thị mới của Bình Dương trong tương lai gần.
XUÂN VĨ