Chỉ sau hơn 30 năm đổi mới và 22 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, Bình Dương đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động bậc nhất cả nước. Có được điều này là nhờ vào những quyết sách táo bạo, quyết liệt của các thế hệ lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, bức tranh kinh tế của Bình Dương đã có những biến chuyển rõ nét, tạo sự bứt phá mạnh mẽ so với cả nước…
Bình Dương liên tục có nhiều quyết sách quyết liệt, kịp thời để tạo sự bứt phá về kinh tế trong thời gian qua. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI
Những cú hích
Trong những năm qua, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đầy tự hào. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự đoàn kết một lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của Bình Dương đã phát triển nhanh và bền vững. Nhờ vậy, qua một chặng đường rất ngắn xây dựng và phát triển, từ xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông, nhận trợ cấp từ Trung ương, Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu về phát triển công nghiệp, đô thị và là tỉnh có tỷ lệ đóng góp ngân sách Trung ương cao của cả nước.
Tỉnh Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp với vị thế là một tỉnh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp còn nhiều hạn chế. Thực tiễn đó bắt buộc tỉnh Bình Dương phải có bước đột phá, đi tắt đón đầu để phát huy mạnh mẽ ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh vào đầu năm 1997, Bình Dương đã mạnh dạn xác định phát triển công nghiệp chính là yếu tố đột phá tạo tiền đề cho tỉnh phát triển.
Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư”, nắm bắt và khai thác có hiệu quả mọi thời cơ, phát huy lợi thế, sức mạnh và thu hút mạnh nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có ý nghĩa hết sức quan trọng để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất. Nhờ đó, Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành địa phương phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Không chỉ tăng cường về lượng mà Bình Dương cũng khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn TX.Thuận An và TX.Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn; đồng thời, phát triển các khu công nghiệp tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài khu công nghiệp bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp. Đây là bước tiến mới, tạo điều kiện thuận lợi để Bình Dương tiếp tục phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Sẵn sàng “vươn khơi”
Không thỏa mãn với những thành công bước đầu đạt được, trong những năm gần đây lãnh đạo tỉnh đã bàn bạc với một số doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần chuẩn bị thật tốt mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh trong tương lai gần. Xác định được cơ hội rộng mở phía trước, tỉnh nhanh chóng chuẩn bị quỹ đất sạch dồi dào, cơ sở hạ tầng chu đáo và đồng bộ.
Không chỉ chú trọng hạ tầng, Bình Dương còn tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thu hút đầu tư. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng luôn có sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Điều đó đã góp phần làm cho thương hiệu công nghiệp Bình Dương vang xa, tạo ấn tượng và an tâm để nhà đầu tư tin tưởng làm ăn lâu dài tại đây. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, Bình Dương đã thu hút 5,78 tỷ USD vốn FDI, đạt 82,6% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 đề ra. Quy mô vốn trung bình các dự án đạt 11,7 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 8-2018, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 3.389 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 30,85 tỷ USD. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng, điểm đến đáng tin cậy. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất với nhiều dự án tầm cỡ của nhiều tập đoàn lớn có tiếng trên thế giới và Bình Dương trở thành một trong 5 tỉnh, thành thu hút nguồn vốn FDI cao nhất cả nước.
Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, có thể thấy, Bình Dương đã có sự đầu tư bài bản, đồng bộ các ngành thuộc những lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại-dịch vụ, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục và các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác. Nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả và tạo bước lan tỏa thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng với nhà nước tham gia đầu tư, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh nhà còn đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Chính nhờ có sự đầu tư bài bản, hiệu quả cao nên đến nay nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh được hình thành đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật điện, nước, bưu chính viễn thông... cũng được đầu tư đồng bộ; hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch... có bước phát triển tốt. Đây là tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để nhanh chóng xây dựng tỉnh nhà trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, thân thiện, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Thời gian qua, Bình Dương đã bước đầu huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó là tỉnh huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cấp, chỉnh trang các đô thị, trong đó đô thị Thủ Dầu Một đạt tiêu chí đô thị loại I, hoàn thành việc nâng cấp các đô thị Thuận An, Dĩ An lên đô thị loại III, tiếp tục thực hiện nâng cấp đô thị Tân Uyên, Bến Cát lên đô thị loại III theo lộ trình đã đề ra.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật. UBND tỉnh cũng đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Tỉnh ủy đã đề ra.
Toàn tỉnh hiện đã quy hoạch và phát triển 29 khu công nghiệp, trong đó có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 71%. Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp cũng được Bình Dương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện toàn tỉnh có 6/8 cụm công nghiệp hoạt động với diện tích gần 600 ha, tỷ lệ lấp đầy là 49%. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 Bình Dương sẽ có 33 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích khoảng 15.730,18 ha.
KHÁNH VINH