Phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại

Cập nhật: 01-09-2018 | 11:47:18

Sau 30 năm đổi mới và 20 năm tái lập tỉnh, cùng với những nỗ lực tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống các tầng lớp nhân dân.

 

Những năm qua, Bình Dương không ngừng tập trung phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: P.LÊ

Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Ngày 1-1-1997, tỉnh Bình Dương được tái lập. Với xuất phát điểm là một tỉnh thuần nông nên lúc bấy giờ cơ sở hạ tầng của tỉnh còn yếu kém, đô thị chưa phát triển. Để phát triển đô thị, tỉnh Bình Dương đã triển khai ngay công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị nhằm xây dựng hình ảnh, diện mạo mới cho tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ sau hơn 13 năm tái lập tỉnh (1997-2010), Bình Dương đã hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ từ trung tâm thị xã (nay là TP.Thủ Dầu Một) đến các huyện với nhiều đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như đại lộ Bình Dương; ĐT741; ĐT742; ĐT743... Nhiều khu công nghiệp tầm cỡ đã được hình thành. Nhiều khu dân cư, khu đô thị cao tầng kiên cố, khang trang đã được xây dựng.

Hiện nay Bình Dương đang triển khai xây dựng Đề án thành phố thông minh Bình Dương. Hướng dẫn cụ thể cho Đề án thành phố thông minh Bình Dương sẽ được trình bày trong chương trình chiến lược mang tên: “Bình Dương Navigator 2021 - Chương trình chiến lược đột phá Bình Dương 2021, tầm nhìn đến 2030” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3206/ QĐ-UBND ngày 21-11-2016. Bình Dương Navigator 2021 bao gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia thành 4 yếu tố cơ bản: Con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng. Đây là một nội dung quan trọng xác định những phương hướng phát triển, phân công và cam kết theo từng chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng Bình Dương - với vai trò là một bộ phận quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - hướng đến thành phố thông minh, mang tầm vóc quốc tế.

Một trong những điểm nhấn then chốt trong phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ và đô thị của tỉnh Bình Dương là việc quy hoạch xây dựng và đưa vào sử dụng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị gần 4.200 ha, trong đó có thành phố mới Bình Dương và Trung tâm Hành chính của tỉnh. Nơi đây trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của Bình Dương. Đây chính là hạt nhân của một đô thị Bình Dương hiện đại, năng động, bền vững và thông minh trong tương lai. Khu liên hợp hội tụ đầy đủ các loại hình dịch vụ và một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ.

Trong giai đoạn 2011-2015, xác định kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, do đó tỉnh đã chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật với nhiều nguồn lực kinh tế, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung toàn đô thị. Kết cấu hạ tầng giao thông được xây dựng theo hướng đồng bộ liên hoàn, kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, đồng thời bảo đảm sự kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, tỉnh đã đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với Quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước; đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh như ĐT744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước …

Bên cạnh đó, hệ thống cấp điện trong đô thị được chỉnh trang, cải tạo bảo đảm nhu cầu sử dụng. Hạ tầng cấp thoát nước được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị và khu công nghiệp. Hạ tầng viễn thông ngày càng được nâng cấp theo hướng hiện đại. Cây xanh đô thị được nhân rộng và định hướng chủng loại cây đặc thù (cây sao, cây dầu, ...) tạo nét riêng cho đô thị Bình Dương.

Trong giai đoạn 2016 đến nay, trên cơ sở thực hiện đột phá chiến lược về “Hạ tầng đồng bộ, hiện đại” trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình đột phá số 23-CTr/TU về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016- 2020. Đến nay, đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2017 ước đạt 154.114 tỷ đồng, tăng 11,7%/năm. Trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là 61.240 tỷ đồng, chiếm 39,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Bước đầu huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn.

Hướng đến văn minh, giàu đẹp

Những năm qua, các chương trình, đề án, dự án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật được tập trung thực hiện, đã góp phần nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, như chương trình phát triển đô thịBình Dương giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình số 22-CTr/TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 80,5%, công tác quy hoạch xây dựng cơ bản hoàn thành, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt 100%, tỷ lệ xã hoàn thành lập quy hoạch nông thôn mới đạt 100%, các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng đều có quy hoạch chi tiết.

Song song đó, công tác nâng cấp, nâng loại đô thị có nhiều đổi mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các đô thị. Đến nay, theo kế hoạch nâng cấp đô thị, tỉnh đã có 1 đô thị loại I là TP.Thủ Dầu Một; 4 đô thị loại III (Trong đó, 2 đô thị đạt loại III trực thuộc tỉnh là TX.Thuận An và TX.Dĩ An đã được Bộ Xây dựng quyết định công nhận trong năm 2017; 2 đô thị là TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa IX vừa diễn ra, đã được HĐND thông qua 2 đề án đề nghị công nhận TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên từ đô thị loại IV lên loại III); 4 đô thị loại V và 5 đô thị mới được quy hoạch theo đúng định hướng.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện theo kế hoạch đối với các dự án, công trình trọng điểm theo Chương trình số 22-Ctr/TU của Tỉnh ủy và Quyết định số 3584/QĐ- UBND ngày 26-12-2016 của UBND tỉnh. Trong đó, đối với các dự án, công trình mang tính kết nối vùng, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa công trình vào sử dụng. Đối với các dự án chậm tiến độ, sẽ tập trung xác định nguyên nhân, có giải pháp tháo gỡ cụ thể để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. UBND tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, trong đó có nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các công trình, dự án đô thị trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình phát triển đô thị văn minh, hiện đại, Bình Dương đã đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với quốc lộ 1A, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước; đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh như ĐT744 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước, đường vào cầu Phú Long kết nối tỉnh Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh… Những tuyến giao thông huyết mạch này không chỉ tăng tính liên kết vùng mà còn góp phần thay đổi diện mạo đô thị Bình Dương trong tương lai gần.

 

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên