Là địa phương vùng xa, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mảnh đất giàu truyền thống Dầu Tiếng hôm nay khởi sắc, đô thị từng bước hiện đại, văn minh, hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối khu vực, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đường ĐT744 đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng
Phát triển kinh tế bền vững
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, huyện Dầu Tiếng bảo đảm phát triển kinh tế bền vững theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Dầu Tiếng hiện đang tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ tạo bước đột phá, trong đó tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, hoàn thành và giữ vững các mục tiêu nông thôn mới. “Huyện Dầu Tiếng sẽ phát triển đô thị bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy các lợi thế của huyện nhà, nhất là tập trung trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Huyện sẽ quy hoạch, phát triển từ 1 đến 2 khu liên hợp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Long Hòa, Minh Tân”, ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng chia sẻ.
Cũng theo ông Tuyên, để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện đã triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm thương mại - dịch vụ - dân cư thị trấn Dầu Tiếng; Trung tâm thương mại dịch vụ dân cư phía bắc thị trấn Dầu Tiếng và Khu đô thị phía đông thị trấn Dầu Tiếng. Sau khi các đồ án được phê duyệt sẽ góp phần phục vụ đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng. Ngoài ra, huyện Dầu Tiếng cũng đã điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị Bến Súc, có quy mô hơn 1.000 ha thành quy hoạch chung đô thị mới Thanh Tuyền có quy mô hơn 6.222 ha theo chủ trương của UBND tỉnh. Theo nhận định, với việc điều chỉnh này không những xứng tầm vóc với phát triển của Dầu Tiếng mà còn tạo động lực hơn nữa để huyện nhà phát triển toàn diện.
Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ
Hầu hết các dự án, công trình hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đều có tiến độ thực hiện tốt. Kết quả đó là nhờ nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trên địa bàn.
Chương trình phát triển đô thị huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016- 2019, huyện đã dành hơn 804 tỷ đồng để đầu tư 32 công trình. Hiện tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đều đạt yêu cầu đề ra. Trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7 công trình với tổng kinh phí gần 165 tỷ đồng, đang thực hiện 5 công trình với tổng kinh phí gần 268 tỷ đồng, các công trình còn lại hiện vẫn đang được xúc tiến triển khai. Giai đoạn 2016-2020 huyện cũng đã thực hiện lắp đặt mới 522 bộ đèn chiếu sáng trên các tuyến đường với tổng kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng. Các công trình dân sinh này đã góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, nâng cao đời sống người dân.
“Thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, triển khai xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm của huyện, mang tính đột phá tạo động lực phục vụ cho mục tiêu phát triển. Hàng loạt các dự án có thể nhắc đến như công trình nâng cấp mở rộng đường trước Huyện ủy - UBND huyện đến đường Cách Mạng Tháng 8, mở rộng ngã tư Minh Hòa, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị Long Hòa, đô thị Bến Súc...”, ông Trần Quang Tuyên cho biết.
Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nhất là việc đầu tư, xây dựng tuyến đường ĐT744 kết nối về TP.Thủ Dầu Một không những góp phần thay đổi diện mạo đô thị của huyện Dầu Tiếng mà còn tạo động lực để huyện nhà phát triển. Hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại và đang ngày càng hoàn thiện đã góp phần phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Đến nay, ngoài tuyến đường huyết mạch ĐT744, hiện 100% tuyến đường do huyện quản lý và gần 32% chiều dài các tuyến đường do xã quản lý đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Dầu Tiếng hiện tiếp tục triển khai thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn theo hướng xã hội hóa, vận động tổ chức và nhân dân đóng góp thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhất là các công trình cần nguồn vốn dầu tư lớn. Hiện nay, trong quy hoạch phát triển đô thị và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện Dầu Tiếng tập trung phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, nhất là các công trình mang tính động lực.
MINH DUY