Chia sẻ bài viết lên facebook

Xây dựng hình ảnh người phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” 

Cập nhật: 29-09-2015 | 08:37:59

Qua 4 năm thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH)” (gọi tắt là Đề án 343), đã tạo ra một phong trào thi đua sâu rộng trong hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đâu đó vẫn còn tồn tại. Vì vậy, cần phải có sự thay đổi từ nếp nghĩ, hành vi để người phụ nữ thể hiện tốt hơn nữa vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội.

 

 Ông Trần Thanh Liêm (bìa trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao giấy khen của Ban chỉ đạo đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước cho các tập thể có thành tích xuất sắc

 

Những con người mới

Năm 2010, Đề án 343 được Chính phủ phê duyệt và nhận được sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Tại Bình Dương, đề án có sự phối hợp thực hiện của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, Hội LHPN tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tiểu đề án 1 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”.

Bà Đặng Thị Mộng Huyền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh đánh giá: “Đề án 343 đã trở thành phong trào sâu rộng trong hội viên, phụ nữ, tác động tích cực đến nhận thức, thái độ, hành vi trong việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; góp phần nâng cao vị thế và tôn vinh giá trị người phụ nữ. Từ đề án này, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương phụ nữ điển hình chịu thương, chịu khó, vươn lên khẳng định vị thế của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội”.

Bà Nguyễn Thị Bé Ba, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An là một ví dụ điển hình. Bằng sự nhiệt tình, năng nổ và kinh nghiệm quý của bản thân, bà đã góp phần đưa phong trào phụ nữ khu phố phát triển mạnh. Bản thân bà đã nhận được khá nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng các cấp.

Chia sẻ về thành tích của mình, bà Ba cho biết: “Là một cán bộ hội, tôi xác định phải thường xuyên cập nhật kiến thức, dành hết thời gian, tâm huyết cho công tác hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tôi đã sắp xếp hài hòa giữa công tác xã hội và công việc trong gia đình. Chính điều đó lại giúp tôi nhận được sự hậu thuẫn từ phía gia đình để hoàn thành công tác xã hội tốt hơn”.

Còn chị Nguyễn Thị Quyên, công nhân khai thác Tổ 1, Nông trường Cao Su Minh Tân thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng được đồng nghiệp đặt cho biệt danh là “cô công nhân 10 tấn”, bởi có thành tích đáng gờm là 3 năm liên tục đạt sản lượng trên 10 tấn/năm, vượt gần 3 tấn so với chỉ tiêu đề ra. Với những thành tích đó, năm 2014 chị được tặng bằng khen của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Năm 2015, chị nhận giải thưởng nữ công nhân viên chức lao động xuất sắc ngành cao su lần thứ I.

Chị Quyên cho biết, hơn 20 năm gắn bó với nghề cạo mủ cao su, với chị, vườn cây chẳng khác gì ngôi nhà thân yêu của mình, mặc dù nơi đó “lắm gai nhiều muỗi”. Từ những ngày tập tễnh học nghề, chị đã ý thức được rằng, nghề gì cũng vậy, đã gắn bó thì phải luôn tận tâm, tận lực, dành hết tâm huyết làm việc. Đây cũng chính một bí quyết thành công của chị.

Chú trọng tuyên truyền

Theo bà Đặng Thị Mộng Huyền, xác định đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam là một trong những nội dung trọng tâm nhằm hướng tới thay đổi hành vi, đặc biệt trong nữ thanh niên lao động, nữ lao động nông thôn, đoàn viên thanh niên trong các trường học...

Vì vậy, thời gian qua, từng cơ quan thường trực của 4 tiểu đề án đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Điển hình là tiểu đề án 1, với vai trò cơ quan thường trực, Hội LHPN các cấp đã lồng ghép vào phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, “Nông thôn mới”... và được triển khai rộng khắp trong các cấp hội.

Song song đó, việc xây dựng các mô hình nhằm phát huy nội lực cũng được đặc biệt quan tâm. Từ mô hình điểm Câu lạc bộ (CLB) “Người phụ nữ mới” ở phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 101 CLB với 2.218 thành viên tham gia.

Các CLB đã chú trọng đổi mới hình thức, cũng như nội dung nhằm tăng tính hiệu quả trong sinh hoạt. Hình thức tuyên truyền miệng được thay thế bằng hái hoa dân chủ, thảo luận, xây dựng tiểu phẩm… để các thành viên cùng tham gia. Nhờ đó, mỗi thành viên CLB sau một thời gian tham gia sinh hoạt đều có sự chuyển biến tốt; thể hiện qua việc các chị đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, ứng xử, có chính kiến…

Tuy nhiên, theo đánh giá, sự chuyển biến thay đổi hành vi của phụ nữ về vai trò, vị thế của mình trong xã hội hiện nay vẫn chưa thật sự rõ ràng. Mặc dù định kiến về giới có giảm nhưng thực tế tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn khá phổ biến và ăn sâu vào trong nếp nghĩ, hành vi và cách ứng xử của mỗi người.

Vì vậy, thời gian tới, đề án sẽ được Hội LHPN tỉnh tiếp tục được triển khai có hiệu quả hơn để tạo tiền đề quan trọng trong việc góp phần đẩy mạnh việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

THU THẢO

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=436
Quay lên trên