Xây dựng nếp sống văn hóa học đường

Cập nhật: 17-12-2015 | 09:47:22

Trong cuộc sống hiện đại, dù một bộ phận giới trẻ đã bị tây hóa, nhưng nhìn chung mọi người vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là vốn quý cần được gìn giữ, phát huy. Chúng tôi xin đơn cử ra đây 2 câu chuyện đã tình cờ gặp giữa đường phố nhộn nhịp, tấp nập.

 Vào một buổi chiều tan tầm, ai ai cũng hối hả để kịp giờ đón con hoặc về nhà giải quyết bao nhiêu công việc không tên. Tại một ngã tư, dừng đèn đỏ nhưng ai cũng nhấp nhỏm chờ mau chóng đến đèn xanh. Bất ngờ có một cô nữ sinh chống xe rồi bước đến nhặt một cây đinh bỏ vào giỏ xách của mình. Thật ra cây đinh ấy ai cũng nhìn thấy, nhưng không ai quan tâm, vì nghĩ rằng mình không cán lên nó là an toàn. Nhưng với cô nữ sinh kia thì nghĩ khác, cô thì không hề gì, nhưng có thể người khác sẽ là nạn nhân. Chắc hẳn có không ít người đã dở khóc dở cười vì cán phải đinh và cô mong hành động của mình sẽ làm bớt đi rủi ro cho người khác.

Một lần khác, cũng đang lúc dừng đèn đỏ, hình ảnh một anh xe ôm còn khá trẻ đã ân cần dẫn một người khiếm thị bán chổi qua đường đã khiến cho bao người xúc động. Có thể anh cho rằng việc làm của mình nhỏ nhưng thật ra có ý nghĩa nhân văn cao. Dù người khiếm thị có cây gậy làm “con mắt” dẫn đường, nhưng tai nạn vẫn có thể ập đến với họ bất cứ lúc nào. Với anh thanh niên kia, trong lúc anh dắt người khiếm thị qua đường có thể anh đã bỏ qua cơ hội đón khách, nhưng nghĩa cử đẹp của anh còn lớn hơn cả vật chất nên anh vui vẻ làm mà không toan tính, dù rằng cuộc sống của anh còn khó khăn chật vật.

“Tiên học lễ, hậu học văn” hay “dạy làm người trước khi dạy chữ”, đó là những điều nhà trường cần thực hiện đối với mọi học sinh. Trước tình trạng bạo lực học đường xảy ra ở nơi này, nơi khác, ngành giáo dục - đào tạo nói chung đã tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn xảy ra tình trạng học sinh tỏ ra thờ ơ trước việc bạn bị ức hiếp, bạo lực. Đến nơi công cộng, có em chưa có thói quen nhường ghế hoặc giúp đỡ người khác. Thiết nghĩ, phụ huynh không nên phó thác việc giáo dục con em cho nhà trường, mà việc này cần được phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó vai trò của gia đình là rất quan trọng. Chính nếp sống văn hóa gia đình sẽ ảnh hưởng đến tính cách của con cái, thế nên cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng để con cháu học hỏi, nêu gương.

 H.THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X