Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) với những mục tiêu cao hơn.
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã giúp vùng nông thôn trong tỉnh đổi thay nhanh chóng. Trong ảnh: Một tuyến đường nông thôn ở xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên được xây dựng khang trang, xanh, sạch, đẹp
Đạt nhiều kết quả tốt đẹp
Thực hiện Kế hoạch số 2975/KH-UBND của UBND tỉnh về việc tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024 trên địa bàn tỉnh, đoàn giám sát đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện chương trình tại 4 huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng.
Theo báo cáo, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể 4 huyện nói trên đã vào cuộc quyết liệt, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chương trình đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 38/38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 3/38 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM đạt gần 80 triệu đồng/năm.
Các xã NTM tập trung giữ vững các tiêu chí đã đạt, tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết trung tâm xã gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung của tỉnh...”. (Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
Ông Phạm Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết thực hiện xây dựng NTM địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 45 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP đều được đăng ký tài khoản, tạo kho hàng trên sàn thương mại điện tử VOSO (Viettel), Postmart, Binhduongtrade để bán sản phẩm. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 90 triệu đồng/năm.
Tại huyện Bàu Bàng, chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả khả quan. Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết nhờ thực hiện xây dựng NTM nên bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp; đời sống người dân được nâng cao. Đến nay 3/6 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao theo Quyết định số 211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Huyện phấn đấu đến hết năm 2024 có 6/6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng giao thông, trường học ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại
Hướng tới NTM thông minh
Tại buổi giám sát, các huyện đã kiến nghị tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí theo mục tiêu đã đề ra. Cụ thể, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và Bộ tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao theo Quyết định số 211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025; bổ sung tiêu chí huyện NTM đặc thù, các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại địa phương, ban hành các quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù…
Để chương trình xây dựng NTM mang lại nhiều kết quả tốt hơn nữa, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ về thực hiện xây dựng NTM trong giai đoạn tới; phát động và thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”…
Ông Phạm Văn Bông đề nghị trên cơ sở đặc điểm, lợi thế, tiềm năng của địa phương, các huyện cần lựa chọn lĩnh vực phù hợp để thực hiện NTM kiểu mẫu gắn với quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị tại địa phương. Các địa phương cũng cần triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách liên quan; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách để khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; ưu tiên triển khai các Chương trình OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số, hướng tới NTM thông minh…
THOẠI PHƯƠNG - HƯƠNG THẢO