Xây dựng thương hiệu nông sản là yếu tố quan trọng để đưa nông sản đứng vững trên thị trường. Xác định tầm quan trọng này, thời gian qua, các cấp, các ngành và nông dân trong tỉnh đã nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng thương hiệu.
Nhờ xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Cam, bưởi Bắc Tân Uyên” nên đầu ra sản phẩm cây có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên hiện nay đã ổn định hơn. Trong ảnh: Một vườn cam tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Ổn định đầu ra cho nông sản
Đến nay, toàn tỉnh có 16 tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn trái được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích khoảng 166 ha, được gắn với các nhãn hiệu tập thể như “Bưởi Bạch Đằng”, “Trái cây Lái Thiêu”, “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”; các nhãn hiệu cá nhân như “Bưởi Phương Uyên”, “Bưởi Thanh Thủy”, “Bưởi trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến”… Khi xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, nông sản của các địa phương, đơn vị này được tiêu thụ ổn định trên thị trường, giá cao, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất các mặt hàng này.
Là vùng chuyên canh cây bưởi, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên có gần 500 hộ trồng bưởi, diện tích gần 400 ha. Phát huy lợi thế từ nguồn nước sông Đồng Nai, nông dân ở đây đã đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi ở vùng đất cù lao này. Nhờ điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất cù lao phù hợp, trù phú nên bưởi Bạch Đằng có hương vị đặc trưng riêng. Từ năm 2012, khi được công nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” - thương hiệu tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng và môi trường xanh bền vững, nông dân trong xã có thêm động lực sản xuất khi bưởi Bạch Đằng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Chỉ với 4.600m2 diện tích đất trồng bưởi đang cho thu hoạch, vụ bưởi Tết Nguyên đán 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Cải, ở ấp Bình Chữ, xã Bạch Đằng đã thu hoạch hơn 6 tấn, mang lại nguồn thu nhập hơn 350 triệu đồng. Ông Cải cho biết, thương hiệu Bưởi Bạch Đằng đã được nhiều người biết đến từ lâu, chính vì thế quá trình tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn; bưởi mùa tết lại bán được giá và cao hơn những loại bưởi thông thường khác.
Nhãn hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ tháng 8-2017 đã tạo nên giá trị sản phẩm ổn định hơn trên thị trường. Khi sản phẩm cam, bưởi Bắc Tân Uyên được chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp, giá trị sản phẩm, uy tín của người sản xuất cũng sẽ được nâng cao, đồng thời các ngành chức năng có điều kiện quản lý tốt về quy trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ cũng như kiểm soát được chất lượng của sản phẩm. Đây được coi là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện để các sản phẩm cam và bưởi Bắc Tân Uyên vươn xa ra thị trường quốc tế.
Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho biết, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND huyện sẽ tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao. Mục tiêu đến năm 2020, giátrịsản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất cây có múi trên địa bàn huyện đạt từ 800 triệu đồng/năm trở lên; toàn huyện có từ 300 - 500 ha cây ăn trái có múi được chứng nhận VietGAP…, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Bên cạnh những thương hiệu đã được xây dựng thành công, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển và tạo thương hiệu cho nông sản Bình Dương. Dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2015- 2018 được UBND tỉnh thông qua. Dự án đã chọn và xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cây măng cụt theo VietGAP với tổng diện tích 22 ha, của 37 hộ; tuổi vườn cây trung bình là khoảng 17 năm. Mục đích của dự án là tạo ra vùng sản xuất măng cụt sạch, có thương hiệu; từng bước xây dựng thương hiệu cho cây măng cụt huyện Dầu Tiếng... Trên cơ sở đó, làm tiền đề xây dựng khu du lịch sinh thái nhằm phát triển kinh tế địa phương bền vững.
Đầu năm 2016, UBND tỉnh đã có quyết định về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các phương án sản xuất của các cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp có thể vay vốn ưu đãi với lãi suất 3,2%/năm. Nhờ vậy, nhiều diện tích trồng cây có múi, cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể; nông dân được tạo nhiều điều kiện để đầu tư sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Tuy vậy, nông dân trong tỉnh vẫn còn không ít khó khăn trên bước đường xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Khó khăn trước hết là vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để tạo nên thương hiệu cho nông sản ban đầu còn lớn, quá sức với nhiều gia đình nông dân. Cùng với đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với nước ngoài còn yếu, nhất là việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, hiện đầu ra nông sản chưa thực sự ổn định và phần lớn phải qua thương lái nên người nông dân còn e dè khi bỏ tiền tỷ ra mua sắm các loại máy móc, phương tiện kỹ thuật để sản xuất các loại nông sản đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu nông sản còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, kênh quảng bá...
Vấn đề sản xuất nông nghiệp an toàn gắn liền với xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương là tiền đề quan trọng để hình thành các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững trong thời gian tới. Từ đó sẽ tạo bước đi vững chắc cho sản phẩm nông nghiệp của Bình Dương trong quá trình hội nhập.
QUỲNH NHIÊN