Hôm nay (11-8), Đảng bộ và nhân dân TX.Tân Uyên phấn khởi chào mừng Đại hội (ĐH) Đảng bộ TX.Tân Uyên lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 trong niềm vui thắng lợi. Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tân Uyên, chắc hẳn rằng trong mỗi người dân địa phương đều có chung niềm tự hào về bề dày lịch sử của quê hương Chiến khu Đ lừng lẫy, đã sinh ra những anh hùng trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước và là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II mở rộng trên địa bàn TX.Tân Uyên. Ảnh: Q.CHIẾN
Trong đấu tranh anh dũng…
Vùng đất Tân Uyên xưa trong đó có TX.Tân Uyên bây giờ - một địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Thời kỳ chiến tranh, Chiến khu Đ là căn cứ địa cách mạng, là hậu phương tại chỗ của miền Đông Nam bộ, là bàn đạp để quân ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự chiến lược của địch, lập nên những chiến công vang dội, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước. Trải qua biết bao gian khổ, thăng trầm, Chiến khu Đ đã đi vào lịch sử như một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
TX.Tân Uyên hiện có 2 khu, 3 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.900 ha, với 197 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 142 dự án so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đạt từ 44,8 - 100%. Ngoài ra, thị xã đã bố trí các dự án nhỏ, lẻ từng bước lấp đầy các vùng đã được quy hoạch sản xuất công nghiệp tập trung tại các xã, phường như Uyên Hưng, Thái Hòa, Tân Phước Khánh, Khánh Bình, Tân Hiệp và Tân Vĩnh Hiệp. |
Có chiến thắng nào mà không mất mát hy sinh. Trong 2 cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân vùng đất Tân Uyên nói chung đã kiên cường chịu đựng biết bao gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi thử thách mà có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Đó là những ngày phong trào cách mạng bị dìm trong bể máu sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ; là những ngày đói rét, bệnh tật giữa rừng Chiến khu Đ trụi lá vì bom đạn quân thù; là những ngày đen tối dưới chế độ tay sai độc tài Ngô Đình Diệm vô cùng độc ác thực hiện chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, lê máy chém khắp nơi tàn sát dã man đồng bào và cán bộ ta. Kỳ lạ thay, cuộc sống chiến đấu càng gian lao ác liệt, đồng bào Tân Uyên càng son sắt niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hồ vĩ đại. Đảng bộ và nhân dân Tân Uyên trong chiến tranh muôn người như một, không một lần nao núng trước quân thù, người trước ngã xuống, người sau đứng lên, lần lượt đạp bằng thử thách, chông gai, quyết tâm giương cao ngọn cờ giải phóng đi đến ngày thống nhất đất nước.
…trong lao động lại cũng kiên cường
Sau ngày giải phóng, vùng đất Tân Uyên gặp rất nhiều khó khăn. Chiến tranh đã để lại một vùng đất hoang tàn, đổ nát, thế nhưng, nhân dân mau chóng trở về làng xưa, xóm cũ để khai hoang, phục hóa, cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương. Qua 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay TX.Tân Uyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ vùng đất sau ngày đất nước thống nhất có điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì đáng kể, trường học, cơ sở y tế nghèo nàn, thiếu thốn, đời sống nhân dân rất khó khăn. Tuy vậy, nhờ sự tập trung đầu tư của tỉnh và ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng bộ cùng quân dân địa phương, nêu cao truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, phát huy tiềm năng, thế mạnh, Tân Uyên đã từng bước xây dựng lại quê hương mình và đi lên vững chắc như ngày hôm nay.
Những thành tựu TX.Tân Uyên đạt được trong nhiệm kỳ qua biểu hiện khá rõ trên các mặt: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp - thương mại - dịch vụ năm sau luôn cao hơn năm trước. Ngành công nghiệp chủ lực của thị xã vẫn duy trì ổn định và phát triển sản xuất; thu hút đầu tư trong và ngoài nước ngày càng hiệu quả; hạ tầng kinh tế- kỹ thuật được chú trọng, đặc biệt là các công trình mang tính đột phá, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để tăng tốc phát triển, nhất là trong lĩnh vực công
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ TX.Tân Uyên tiếp tục nêu cao lý tưởng, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, thị xã sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp- dịch vụ - nông nghiệp, phát triển công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, đô thị và các khu dân cư theo quy hoạch; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp đô thị; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại làm động lực cho sự phát triển; bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn với công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt việc cải cách hành chính gắn liền với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Một mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ thị xã sẽ tập trung thực hiện là xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; quyết tâm xây dựng TX.Tân Uyên trở thành đô thị văn minh, phát triển đồng bộ và bền vững.
Trong nhiệm kỳ qua, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã đạt 9.328,5 tỷ đồng, tăng 44,85% so với đầu nhiệm kỳ và tăng 12,01% so với năm 2014. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước chiếm 30,83%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 69,17%. Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tăng về số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư. Hiện nay, toàn thị xã có 976 dự án được cấp phép đầu tư, tăng 176 so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có 648 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 66,4%. Các ngành nghề chủ yếu gồm sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, sản xuất mộc dân dụng, chế biến thức ăn gia súc.
KIẾN GIANG - CAO SƠN