Hôm qua (6-12), trong ngày làm việc đầu tiên tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh đã xem xét nhiều tờ trình quan trọng: Tờ trình về việc phê chuẩn Kế hoạch đầu tư công năm 2018; Tờ trình xây dựng Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Tờ trình Xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định mức chi hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh…
Các đại biểu tập trung xem xét, nghiên cứu các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa IX. Ảnh: X.THI
Theo tờ trình về việc phê chuẩn Kế hoạch đầu tư công năm 2018 thì tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2018 của tỉnh là gần 7.478,578 tỷ đồng (không bao gồm nguồn bội chi ngân sách địa phương). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là gần 978,578 tỷ đồng, vốn trong cân đối ngân sách địa phương là 6.500 tỷ đồng. Đối với 6.500 tỷ đồng vốn trong cân đối ngân sách địa phương, vốn ngân sách tỉnh tập trung 3.323 tỷ đồng bố trí cho 61 danh mục chuẩn bị đầu tư và 130 danh mục thực hiện dự án, 1.300 tỷ đồng vốn xổ số kiến thiết sẽ bố trí cho 17 danh mục chuẩn bị đầu tư và 58 danh mục thực hiện dự án; vốn ngân sách cấp huyện theo phân cấp 1.260 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố.
Còn tại Tờ trình xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định mức chi hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN với mức hỗ trợ tối đa là 25 triệu đối với cơ sở có số lượng từ 15 - 30 trẻ; mức hỗ trợ tối đa là 35 triệu đồng đối với cơ sở có số lượng trên 30 trẻ. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Đối tượng áp dụng là các cơ sở nuôi dạy trẻ ở khu vực KCN được kiện toàn, thành lập mới đủ điều kiện và thủ tục đăng ký thành lập nhóm trẻ độc lập tư thục được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có tiếp nhận ít nhất 50% số trẻ dưới 36 tháng tuổi là các con của công nhân lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo Tờ trình dự thảo ban hành “Nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh” theo trình tự, thủ tục rút gọn thì các đối tượng được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân được bồi dưỡng 120.000 đồng/người/ ngày. Trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề được bồi dưỡng 95.000 đồng/người/ ngày. Các đối tượng được quy định tại khoản 3, 4 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 60.000 đồng/ người/ngày. Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân trên địa bàn tỉnh.
Tại Tờ trình về việc Ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định mức thù lao đối với thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thì đội trưởng là 0,6 lần/ người/tháng; đội phó là 0,5 lần/người/tháng; thành viên là 0,4 lần/người/tháng so với mức lương cơ sở hiện hành của Nhà nước. Theo tờ trình, do những thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện không phải là công chức mà là những người tình nguyện thực hiện công việc này và nếu được hỗ trợ tốt về vật chất, họ sẽ an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Cử tri ĐỖ VĂN LỢI (phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên):
Chúng tôi rất phấn khởi trước sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2017 trên tất cả các lĩnh vực, từ sự phát triển này đã tạo điều kiện về việc làm, chỗ ở cho người dân trong và ngoài tỉnh, các vấn đề giáo dục, y tế, văn hóa cũng được giải quyết tốt, đáp ứng nhu cầu, tạo niềm tin cho người dân. Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng, tỉnh cần quan tâm hơn đến công tác bảo đảm an toàn giao thông vì vấn nạn này còn diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm môi trường một số nơi chưa được khắc phục triệt để. Những vấn đề này, cử tri chúng tôi đã có ý kiến nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Mong rằng, qua kỳ họp này, những vấn đề cử tri quan tâm sẽ được giải quyết thấu đáo.
Cử tri MẸT THỊ DUYÊN (xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên):
Qua theo dõi báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, tôi nhận thấy trong năm 2017, kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, đời sống người dân càng được nâng cao. Là người dân sống ở vùng nông thôn, tôi mong muốn kỳ họp sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lao động việc làm tại nông thôn và làm sao định hướng cho người dân vùng nông thôn trong quá trình phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt.
Cử tri NGUYỄN TRÚC LY (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một):
Là một sinh viên mới ra trường, tôi quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp của các bạn trẻ. Có thể thấy, trong thời gian qua, tỉnh đã có các chương trình hỗ trợ cho trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là những bạn trẻ. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu và đam mê khởi nghiệp, khẳng định chính mình của giới trẻ là rất lớn. Chính vì thế, tôi mong muốn trong thời gian tới, tỉnh có thêm nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp một cách thiết thực, cụ thể bằng nhiều hình thức như hỗ trợ các lớp kỹ năng, tập huấn; hỗ trợ vốn ưu đãi... để những người trẻ như chúng tôi có thêm tự tin, bản lĩnh để khởi nghiệp thành công.
THU THẢO