Xuất khẩu: Điểm sáng trong khó khăn

Cập nhật: 16-11-2012 | 00:00:00

  Xuất khẩu hàng dệt may nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại DNTN May Quốc tế

Tăng trưởng bất ngờ

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2012 có thể đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Sở dĩ Bộ Công Thương mạnh dạn đưa ra dự báo này là bởi tổng kim ngạch và tốc độ tăng trưởng của XK tính đến thời điểm này của năm 2012 đang được nhìn nhận khá ấn tượng và hơi bất ngờ trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái và đà phục hồi chậm của kinh tế thế giới, nhất là ở các nước phát triển. Theo con số thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 10 đạt 20,3 tỷ USD, tăng 8% so với tháng 9; trong đó xuất khẩu đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4%. Tính đến hết tháng 10, lũy kế tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 187,26 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4%...

Còn tại Bình Dương, KNXK tháng 10 đạt 1,178 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 9; trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 955,2 triệu USD, tăng 4,4%. Lũy kế giá trị KNXK đến tháng 10 cũng đã đạt 9,461,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ; trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,728,8 tỷ USD, tăng 17,9%, khu vực kinh tế trong nước đạt 1,732,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có KNXK tăng cao so với cùng kỳ là thủy sản (tăng 21,5%), hạt tiêu (29,3%), cao su (3,7%), dệt may (3,3%), giày dép (10,7%), điện tử (2,3%), các sản phẩm gỗ (8,4%)…

Dệt may sẽ vượt chỉ tiêu

Trong tháng 10 vừa qua, XK hàng dệt may có giá trị kim ngạch dẫn đầu trong lĩnh vực XK với 1,4 tỷ USD. Lũy kế đến tháng 10, XK dệt may hiện đã đạt 12,54 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Chính vì thế, dệt may được cho là lĩnh vực mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cân bằng cán cân thương mại của cả nước. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, KNXK dệt may trong năm 2012 có thể đạt từ 17 - 17,5 tỷ USD vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 15 tỷ USD. Tuy có những khó khăn nhưng thị trường XK hàng dệt may sang EU và Hoa Kỳ của Việt Nam không có nhiều biến động. Tại Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng dệt may từ các nước khác chỉ tăng 1% nhưng đối với hàng dệt may của Việt Nam XK sang thị trường này vẫn tăng 11%. Còn tại EU, cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone đang diễn ra, người dân thắt chặt chi tiêu, hàng dệt may nhập khẩu vào thị trường này suy giảm nhưng với hàng dệt may Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng 1% so với năm 2011. Bên cạnh đó, XK sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tiếp tục ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết trong năm 2012, các doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội phấn đấu thực hiện giá trị kim ngạch dệt may XK khoảng 1,2 tỷ USD. Tính đến thời điểm này, tổng KNXK của toàn hiệp hội đã đạt khoảng 1 tỷ USD. Từ nay đến hết năm còn hơn 1 tháng, các đơn hàng đã bước vào giai đoạn nước rút, vì vậy việc hoàn thành và thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.

“Năng nhặt sẽ chặt bị…”

Tuy tình hình kinh tế thế giới suy giảm, nhu cầu cũng như thị trường XK bị thu hẹp lại nhưng XK vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá. Lý giải điều nay, ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho rằng do dệt may Việt Nam có sự dịch chuyển các đơn hàng có giá trị thấp sang các nước có mức lương thấp và nhận được các đơn hàng có giá trị cao dịch chuyển từ Trung Quốc sang. Chính vì thế, tuy nhìn tổng thể về lượng có thể sụt giảm, nhưng giá trị XK của hàng dệt may vẫn tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn bằng cách này hay cách khác mở rộng thị trường, tìm thêm các đơn hàng XK nhỏ nhưng tiềm năng với tầm nhìn lâu dài. Đơn cử như trường hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (KCN Sóng Thần) lâu nay được biết đến với các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là các loại tôn, ống nhựa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, thì nay đã mạnh dạn đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường XK. Theo ông Trần Ngọc Chu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, đến thời điểm này, các sản phẩm của Hoa Sen đã có mặt tại gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Chúng tôi vẫn XK được vì không kén chọn đơn hàng nhiều hay ít, một đơn hàng trị giá chỉ vài chục ngàn USD cũng nhận, không nề hà…”, ông Trần Ngọc Chu bộc bạch, đồng thời cho rằng tích tiểu sẽ thành đại, quan trọng là khi sản phẩm xuất sang được thị trường nước ngoài, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được biết đến nhiều hơn, qua đó đặt nền móng lâu dài cho sản phẩm tại thị trường nước ngoài.

 THÀNH SƠN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=199
Quay lên trên