Xuất khẩu tôm tìm cách vượt khó

Cập nhật: 21-03-2013 | 00:00:00

Theo quyết định sơ bộ mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ 1-2-2011 đến 31-1-2012 (POR7) mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra, Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, trong khi tôm được "minh oan" thì cũng tại thị trường này, cá tra lại đối mặt với mức thuế chống bán phá giá cao một cách vô lý.

Với kiểu tính thuế thay đổi "chóng mặt" như Mỹ, trong khi quyết định mới chỉ là kết quả sơ bộ thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thể vội mừng.

Mặc dù khó khăn còn chồng chất, nhưng ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng ngành tôm Việt Nam vẫn có thể duy trì được kim ngạch xuất khẩu ở mức 2,25 tỷ USD như năm 2012.

  Chế biến tôm xuất khẩu. Theo quyết định sơ bộ của DOC về mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ 1-2-2011 đến 31-1-2012, cả bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện đều có mức thuế 0%, trong đó, hai bị đơn bắt buộc là Minh Phú Seafood Corp và Nha Trang Seafoods có mức thuế 0%.

Các công ty khác tham gia xem xét hành chính giai đoạn này cũng có mức thuế 0%. Kết quả này đã chứng minh rằng Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, DOC công nhận Việt Nam không bán phá giá tôm. Quyết định sơ bộ này đã mang lại những tín hiệu tích cực về con đường mở rộng thị trường xuất khẩu tôm trên đất Mỹ, đặc biệt là trong tình hình thị trường xuất khẩu còn khó khăn.

Tuy nhiên, người nuôi và các doanh nghiệp vẫn phải thận trọng đón chờ quyết định cuối cùng từ phía DOC. Nhìn lại kết quả cuối cùng về đợt xét thuế chống bán phá giá tôm của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong POR6 (giai đoạn 1/2/2010-31/1/2011), tôm Việt Nam đã chịu thuế chống bán phá giá cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ.

So với kết quả sơ bộ, các doanh nghiệp đã phải chịu mức thuế tăng lên đáng kể, như Minh Phú Seafood Corp chịu mức thuế chống bán phá giá 1,27% so với mức sơ bộ là 0,09%; Nha Trang Seafoods lên 1,23% trong khi mức sơ bộ là 0%; Camimex lên 1,25% so với mức sơ bộ là 0,8%. Các công ty khác cũng có mức thuế tăng từ 1,03% lên 1,25%.

Không chỉ đối mặt với các vụ xét chống bán phá giá định kỳ của Mỹ, tôm Việt Nam lại phải đương đầu với vụ kiện chống trợ cấp. Cùng với các nước xuất khẩu tôm lớn khác là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ecuador, Việt Nam sẽ phải chứng minh ngành sản xuất tôm Việt Nam không nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ Chính phủ. Điều đáng ngại trong vụ kiện chống trợ cấp này là Việt Nam có thể bị xem xét đến 14 nội dung, trong khi Malaysia chỉ bị xem xét 8 nội dung, Trung Quốc và Ấn Độ 7 nội dung, Thái Lan 5 nội dung, riêng Indonesia và Ecuador 4 nội dung.

Một mặt phải đấu tranh làm rõ tôm Việt Nam không được trợ cấp như Liên minh Công nghiệp tôm vùng vịnh của Mỹ kiện, Việt Nam còn phải tiếp tục phải tháo gỡ rào cản về hàm lượng chất Ethoxyquin trong tôm xuất sang Nhật Bản để cứu hai thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất này.

Năm 2012, tôm Việt Nam xuất khẩu sang hai thị trường này chiếm tỷ trọng gần 48% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng Hai, Mỹ đã vượt qua Nhật Bản dẫn đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam với trên 42 triệu USD, chiếm tỷ trọng 22,3%, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản lùi về vị trí thứ hai với trên 40 triệu USD, chiếm 21,7%.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nhật Bản quy định các sản phẩm tôm nhập khẩu có dư lượng Ethoxyquin không được cao hơn 0,01 ppm. Đây là ngưỡng rất thấp so với quy định của các thị trường khác.

Để tháo gỡ việc này, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam để Nhật Bản thay đổi ngưỡng kiểm tra này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng tích cực nghiên cứu các giải pháp giúp người nuôi tôm. Vì Ethoxyquin chủ yếu có trong chất bảo quản thức ăn thủy sản nên Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo người sử dụng, nhà sản xuất thức ăn nên sản xuất đưa Ethoxyquin về mức thích hợp. Người nuôi tôm sử dụng thức ăn trong từng giai đoạn phù hợp để đến khi thu hoạch hàm lượng Ethoxyquin đạt được mức thấp nhất. Nếu người dân tuân thủ áp dụng các khuyến cáo của ngành thì lượng Ethoxyquin trong tôm sẽ đạt được ngưỡng cho phép.

Cùng với những khó khăn từ phía các nhà nhập khẩu, người nuôi tôm trong nước vẫn đang phải khắc phục những thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh. Hội chứng tôm chết sớm năm 2012 đã làm thiệt hại hơn 100.700ha tôm nuôi, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính gây nên sự bất ổn nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết để vụ nuôi tôm thành công, đạt hiệu quả cao, người nuôi tôm cần thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng ngừa bệnh tôm nuôi nước lợ bằng các biện pháp như tẩy dọn ao triệt để, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xử xử lý ao nuôi, diệt giáp xác; thả nuôi đúng thời vụ, mật độ theo khuyến cáo của ngành.

Bên cạnh đó, tôm giống phải sạch bệnh, được kiểm dịch, không mang các tác nhân gây bệnh.

Trong quá trình nuôi, người nuôi phải định kỳ diệt khuẩn ao nuôi, nên sử dụng lượng thức ăn thích hợp, không để dư thừa thức ăn trong ao nuôi.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng cho biết hiện Tổng cục khuyến khích các mô hình nuôi tôm đan xen như nuôi tôm có thả cá rô phi đơn tính, vừa cho hiệu quả kinh tế cao lại hạn chế được dịch bệnh.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên