Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ, việc đẩy mạnh khai thác thị trường ASEAN được xem là giải pháp để doanh nghiệp (DN) duy trì kim ngạch xuất khẩu và phát triển bền vững.
Ngành giày da Bình Dương có đủ điều kiện để khai thác thị trường ASEAN
Thị trường lớn
Hiện nay, Indonesia, Thái Lan, Philippines là 3 thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất với nhiều mặt hàng khác nhau. Trong khi đó, Indonesia, Philippines lại có nhu cầu nhập khẩu nhiều máy phát điện, máy bơm nước, điện gia dụng, thiết bị viễn thông từ Việt Nam. Nghịch lý hiện nay là DN Việt chưa chú trọng xuất khẩu nội khối ASEAN dù có nhiều ưu đãi về thuế quan và thuận lợi về mặt địa lý. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu nội khối là từ các DN FDI với các mặt hàng có giá trị như điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu vào ASEAN thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn xuất phát từ điều kiện chủ quan. Cụ thể, các DN xuất khẩu nội khối đa phần là vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu phù hợp với các thị trường như Lào, Campuchia, Myanmar. Ở các thị trường tiêu chuẩn cao như Thái Lan, Singapore, hàng Việt Nam chịu cạnh tranh khắc nghiệt với hàng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Tại hội thảo về đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN mới đây, các chuyên gia nhận định, cộng đồng kinh tế ASEAN đã mang lại cho Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức lớn. Thị trường xuất khẩu thông thoáng nhưng hàng hóa ở “sân nhà” đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khối. Do đó, DN muốn phát triển ổn định, bền vững buộc phải tái cơ cấu đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai - một doanh nghiệp chú trọng phát triển thị trường máy phát điện tại khu vực ASEAN, cho biết thực tế sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh về chất lượng, giá cả. Máy phát điện công nghiệp thương hiệu SBMPOWWER của công ty hoàn toàn đủ điều kiện để cung cấp cho nhiều dự án lớn của thị trường Đông Nam Á. Điều quan trọng mà công ty đã làm được là việc xây dựng thương hiệu, chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm của Sáng Ban Mai có chỗ đứng nhất định trong nước và khu vực..
Về vấn đề thị trường, ông Trương Xuân Trung, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, khuyến nghị DN xuất khẩu có thể xây dựng mạng lưới phân phối thông qua đại lý là người bản địa, dễ tiếp cận người tiêu dùng và tiết kiệm chi phí hơn so với việc mở chi nhánh. Ở một số thị trường, mức độ khó khăn, rủi ro trong thông quan khá cao, vì vậy DN cần liên hệ chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ như Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại, các trung tâm tư vấn, hỗ trợ xuất nhập khẩu để cập nhật thông tin chính sách, thủ tục và thị trường một cách thường xuyên, từ đó gia tăng hiệu quả xuất khẩu.
Nắm bắt cơ hội
Một điều được cho là thuận lợi khi khai thác thị trường ASEAN là năm 2020 Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là cơ hội để khẳng định, nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực và quốc tế, mở rộng hơn nữa hoạt động giao thương, đầu tư.
Để khai thác hiệu quả thị trường ASEAN, các chuyên gia cho rằng, DN cần tái cấu trúc lại chủng loại hàng hóa phù hợp với tình hình mới, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, DN cần áp dụng công nghệ số vào quản lý, tiếp cận thị trường cũng như giao dịch với khách hàng. Chia sẻ kinh nghiệm thị trường, ông Trần Thành Trọng cho biết, DN Việt Nam phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, số lượng, đồng thời chú trọng đến tính bền vững với khách hàng. Đây là khâu quan trọng, bởi sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.
Đồng quan điểm này, ông Fukunari Kimura, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) khuyến cáo, trong kỷ nguyên mới của kỹ thuật số hóa, thương mại và đầu tư phải đối mặt với một số thách thức từ thương mại hóa toàn cầu. Vì thế, DN phải hành động hướng tới người tiêu dùng, chú trọng các loại hình thương mại mới với sự hỗ trợ của công nghệ.
Lâu nay, ASEAN được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng nhưng khó tận dụng bởi nhiều lý do như sản phẩm tương đồng, giá cả rẻ hơn của Việt Nam, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan đã phát triển nông nghiệp với trình độ cao hơn. Một tin đáng mừng cho ngành công nghiệp tỉnh nhà là mới đây, Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình cho biết đã hoàn tất thủ tục đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất tại Myanmar. Đây sẽ là cơ hội cho “ông lớn” ngành giày da Bình Dương đẩy mạnh khai thác thị trường ASEAN. Không riêng ngành giày da mà những DN ngành nghề khác vẫn có đủ điều kiện để khai thác thị trường ASEAN. Vấn đề là chuẩn bị đủ điều kiện và nắm bắt cơ hội.
TIỂU MY