Xuất nhập khẩu, điểm sáng trong tăng trưởng - Kỳ cuối

Cập nhật: 05-07-2021 | 09:13:54

Kỳ cuối: Hướng đến xuất khẩu bền vững

 Trên cơ sở những thành tựu đạt được, nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu bền vững trong bối cảnh mới, dưới sự hỗ trợ của các cấp ngành, doanh nghiệp (DN) đang xác định lại vị trí, vai trò các thị trường trong xu hướng chuyển dịch mới gắn với từng mặt hàng.

 Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH TNHH Esquel Garment Manufacturing Việt Nam (KCN VSIP I)

 Đối diện với thực tế

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đang đặt ra yêu cầu phải tái cấu trúc đối với DN theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa để phân tán rủi ro. Những thay đổi này tạo ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi DN phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội.

Hiện DN ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến, tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức trước sự cạnh tranh gay gắt với khối DN ngoại trong xuất khẩu và hàng ngoại nhập. Ông Huỳnh Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết về lâu dài, DN cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, đặc biệt lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường, qua đó có thể giữ vững vị thế mới của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ thế giới.

Ông Thanh khuyến nghị các DN ngành gỗ cần phải nỗ lực, sáng tạo nâng cao công nghệ trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, các DN chủ động ngăn ngừa giả mạo xuất xứ, bởi các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Canada… rất khắt khe về gian lận thương mại và trốn thuế. Đáng chú ý, chi phí logistics tăng cao giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới. Do đó, các DN cần có biện pháp tạo kênh liên kết, kết nối các hãng tàu lớn trong và ngoài nước nhằm ổn định giá cước vận chuyển.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN dệt may và da giày đã thay đổi chiến lược phát triển, đẩy mạnh liên kết ngay tại trong nước. Một số DN thực hiện chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, tự chủ từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất đến bán hàng hay sở hữu nhãn hiệu riêng. Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, cho rằng phải tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối, đặc biệt là chia sẻ những thông tin, đơn hàng để tìm đường phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, để ngành da giày phát triển bền vững phải đi từng bước, trước hết là từ phía các DN. Việc tạo dựng một thương hiệu cho giày da Việt Nam tại thị trường quốc tế là một điều ngoài tầm của DN vì chi phí quá lớn. Do đó phải thực hiện theo lộ trình, trước hết là phải tạo dựng được thương hiệu và giành lại thị phần ở thị trường nội địa. Lâu nay, việc tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu đã khiến các DN bỏ quên thị trường nội địa đầy tiềm năng. Thực tế cho thấy, 55% thị phần tại thị trường nội địa đã bị các DN nước ngoài chiếm giữ. Thêm vào đó, nhìn vào bức tranh toàn cầu có thể thấy tốc độ luân chuyển hàng hóa rất nhanh, chuỗi giá trị rút gọn lại và linh hoạt hơn rất nhiều, sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng rất ngắn. Nếu không đáp ứng được sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Do vậy, DN cần có chiến lược dài hơi đầu tư vào công nghệ, áp dụng các mô hình quản lý mới để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng…

Đồng hành cùng DN

Việc khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh, sự hỗ trợ từ chính sách cùng nỗ lực của chính các DN đã thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo ông Cher Der Shyr, Giám đốc môi trường, an toàn Công ty Cheng Long (KCN Bàu Bàng), dưới sự đồng hành của các cấp chính quyền, công ty đã và đang duy trì sản xuất ổn định, tình hình xuất khẩu của năm 2021 rất khả quan. “Năm 2021 chúng tôi hy vọng mục tiêu sản xuất có thể đạt 100%, sản xuất và tiêu thụ có thể đạt 350.000 tấn”, ông Cher Der Shyr chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, năm 2021, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng do bệnh dịch, Sở Công thương đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ Công thương các chương trình, kế hoạch, giải pháp hoạt động của ngành nhằm ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra… Qua đó, nhiều chính sách hỗ trợ người dân và DN được triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng chủ yếu gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Duy trì sản xuất, tận dụng tốt cơ hội:

Ngay từ những tháng cuối năm 2020, tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá, dự báo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến từng ngành, từng lĩnh vực. Từ đó xây dựng kịch bản, triển khai phương án giúp các DN an tâm đầu tư, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi thị trường xuất khẩu, bảo đảm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, làm tiền đề hoàn thành kế hoạch 2021-2025.

Trong thời gian tới, các cấp ngành cần bảo đảm duy trì các hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, kiểm soát giá cả, ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường xuất khẩu, chủ động có kế hoạch, biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên