Ý thức tham gia giao thông của giới trẻ (học sinh, sinh viên):

Cập nhật: 07-07-2011 | 00:00:00

Đời sống kinh tế ngày càng phát triển, các phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, vấn đề an toàn giao thông (ATGT) đã trở thành nan giải, đặc biệt là tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong giới trẻ ngày càng báo động...

Mỗi khi lái xe ra đường, chúng ta không khỏi giật mình hoảng sợ khi một số thanh niên mới lớn, tóc xanh, tóc đỏ, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí đèo 3, 4 lạng lách đánh võng, phóng xe bạt mạng, để lại sau lưng những cái lắc đầu của người đi đường. Đó chắc là sự thể hiện “cá tính” của lớp trẻ bây giờ? Đây là những lời bàn tán của hai bác cán bộ hưu trí phường Phú Lợi, TX.TDM khi chứng kiến “màn biểu diễn” của hai thanh niên đi xe tay ga phân khối lớn tỏ vẻ “yêng hùng” trên đường mà tôi vô tình nghe được... Để chứng minh những nhận định trên, người viết đã đến quan sát những con đường được xem là “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TX.TDM, TX.Thuận An, TX.Dĩ An.

  Nhiều bạn trẻ lấn tuyến trên đại lộ Bình Dương. (Ảnh: Bình Minh)  Hành vi chở 3, nhấc đầu xe được xem là thú vui của một số bạn trẻ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Mục sở thị trên các con đường Yersin, 30/4, Thích Quảng Đức, đại lộ Bình Dương... vào những đêm đầu tháng 7, chừng nửa giờ đồng hồ người viết bắt gặp rất nhiều người vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, đa số là học sinh, sinh viên (HS, SV) (giới trẻ) vẫn còn khoác trên mình bộ trang phục của trường nhưng “hiên ngang” điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, đặc biệt khi tham gia giao thông chẳng cần đội mũ bảo hiểm... 

Theo lời một người bán nước tại vòng xoay ngã 6, TX.TDM, tình trạng biểu diễn xe thường diễn ra vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ, tết. Đang trao đổi với chủ quán nước bỗng tiếng xe máy nẹt ga, đạp thắng kéo lê từ xa làm cho cuộc nói chuyện của chúng tôi dừng lại. Mọi ánh mắt của mọi người đổ dồn vào số thanh niên mới lớn phóng xe vô cùng bạt mạng. Họ đi nhanh như một tia chớp, chẳng cần đội mũ bảo hiểm, thậm chí đèo 3, 4 lạng lách đánh võng làm huyên náo cả một khu vực. Phía sau đoàn biểu diễn là những chiếc xe gắn máy được “cách tân” với những màu sắc, hình dạng nhem nhuốc quái lạ, hệ thống đèn chiếu sáng quá kích cỡ, còi ô tô, còi hú trái quy định cũng đã làm mất trật tự trên các tuyến đường. Tất cả tạo nên nỗi kinh hoàng cho người lưu thông trên đường.

Nhận định về vấn đề giới trẻ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, một số phụ huynh có con, em là HS, SV cho rằng, sự thiếu ý thức đó của giới trẻ một phần do lỗi của các bậc phụ huynh đã không dành nhiều thời gian quan tâm tới việc giáo dục các em có ý thức chấp hành luật lệ giao thông. Nhiều bậc cha mẹ còn dung túng, chiều chuộng con cái khi mua xe và cho con đi xe máy đến trường ngay cả trường hợp chưa có giấy phép lái xe. Và chưa thấu hiểu được rằng TNGT không trừ bất cứ ai. Bên cạnh gia đình, việc giáo dục ý thức HS, SV trong nhà trường cũng chưa được quan tâm đúng mức. Các chế tài tại các trường học áp dụng đối với các hành vi vi phạm của HS, SV được quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe, việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2011, số bệnh nhân đến cấp cứu gần 15.000 ca, có 2.963 ca do TNGT gây ra. Trong đó, số TNGT tính theo lứa tuổi, từ 6 - 15 tuổi là 96 ca, trên 15 tuổi 2.139 ca. Trước con số đáng sợ đó, bác sĩ Lê Văn Cư, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết: “Càng về sau, số lượng bệnh nhân bị thương, chết do TNGT ngày càng tăng và mức độ bệnh án càng lúc càng nghiêm trọng. Đặc biệt, số TNGT ngày càng tập trung vào giới trẻ, qua đó cho thấy nhận thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của giới trẻ chưa tốt. Để ngăn chặn những hành vi vi phạm trong khi tham gia giao thông của giới trẻ cần có sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tất cả phải phối hợp giáo dục ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho HS, SV”.

Theo tìm hiểu của người viết, hiện nay trên địa bàn tỉnh một số trường học đã có những biện pháp quyết liệt, chẳng hạn như cấm HS phổ thông đi xe máy đến trường, HS vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ ảnh hưởng đến xếp loại hạnh kiểm... Tuy nhiên, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng nên các biện pháp trên không mấy hiệu quả. Chuyện vi phạm giao thông của HS, SV không phải là câu chuyện mới mẻ chắc hẳn không ít người sẽ nói: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”. Tuy nhiên, vấn đề này chưa bao giờ cũ, nó vẫn là chuyện đáng bàn khi mà thực trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong giới trẻ còn khiến nhà chức trách đau đầu.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên