Kỳ 1: Ký ức về biển đảo
Ai đã từng sống, làm việc tại những vùng đảo có lẽ sẽ không bao giờ quên được cuộc sống nơi “đầu sóng ngọn gió”. Khi tình hình biển đảo đang “dậy sóng”, một lần nữa họ sẵn sàng tham gia khi có lệnh. Đối với những người lính đảo, biển đảo là của ta, là chủ quyền của dân tộc.
Tình yêu biển đảo
“Tổ quốc gọi chúng tôi luôn sẵn sàng”, đó là khẳng định của những người lính đảo ngày ấy. Cũng như bao thanh niên khác, với mong ước bảo vệ quê hương, anh Nguyễn Văn Tạo (SN 1969) ở Tây Ninh, sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Năm 1988, anh đi lính bộ binh tại Đồng Nai. Sau đó, được cử đi học hải quân và điều đến Lữ đoàn 146, tiểu đoàn 862 tại đảo Nam Yết làm nhiệm vụ 2 năm.
Phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một thăm và tặng quà các chiến sĩ tại đảo Phú Quốc. Ảnh: ĐỖ TUÂN
Anh Tạo, nhớ lại: “Ðể đến được đảo, tàu của chúng tôi trải qua một tuần lênh đênh trên biển. Cuối tháng 4, mặt biển êm như nhung, đúng như ông cha đã nói “tháng ba bà già đi biển”. Một sớm tinh mơ, khi những thành viên trên tàu còn ngái ngủ, bỗng lao xao hai tiếng “đảo kìa”. Tim ai cũng nghẹn lại, một phần của Tổ quốc mình đây. Bước chân lên đảo ai cũng có cảm giác lâng lâng khó lời nào tả xiết. Linh thiêng lắm dải đất quê hương nhoi lên giữa lòng biển mặn mà bao máu xương của cha ông đã đổ xuống để giữ gìn. Chúng tôi, ai cũng thầm nghĩ mình sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, để tiếp nối truyền thống bất khuất, kiên cường giữ biển mà bao thế hệ cha ông đã vun bồi, xây đắp”.
Thượng tá NGUYỄN SỸ PHÚ, Trưởng ban Quân lực Bộ CHQS tỉnh: Thanh niên Bình Dương luôn nghiêm chỉnh chấp hành nghĩa vụ quân sự nơi vùng hải đảo. Để góp sức bảo vệ biển đảo, từ năm 2007, Bình Dương đã giao quân ra hải đảo ở vùng 4 (Cam Ranh, Khánh Hòa) và vùng 5 (Phú Quốc). Mỗi năm chỉ tiêu giao từ 100 - 200 chiến sĩ. Theo đánh giá của các đơn vị nhận quân, chiến sĩ Bình Dương chịu khó, gương mẫu chấp hành nội quy. Nhiều chiến sĩ còn có thành tích xuất sắc, góp sáng kiến xây dựng đơn vị thêm vững mạnh. Để nâng cao chất lượng tuyển quân, nhất là lính đảo, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động nắm nguồn trong độ tuổi nhập ngũ; khám sức khỏe, tuyển chọn những thanh niên có trình độ để giao quân ra hải đảo.
Sau khi ổn định, anh em chiến sĩ được phân công nhiệm vụ canh gác. Trong thời điểm đó, Trung Quốc đang đánh chiếm đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Do đó, những đảo lân cận luôn trong tình trạng trực chiến cao, một phần tiếp lương thực, quân cho các đảo đang bị Trung Quốc xâm chiếm như Cô Lin và Len Đao, mặt khác canh giữ đảo không để giặc chiếm.
Chia tay với anh Tạo, chúng tôi tìm đến với người lính từng sống, công tác tại đảo Trường Sa Lớn những năm 1988-1990. Đó là anh Đoàn Văn Thái (SN 1967) ở phường Phú Mỹ, TP.TDM. Tiếp bước truyền thống cách mạng của cha ông trên vùng đất Thanh Hóa anh hùng, anh Thái tình nguyện nhập ngũ. Năm 1985, anh học trường sĩ quan Tăng Thiết Giáp (Vĩnh Phúc). Học xong, năm 1988, anh tình nguyện ra đảo Trường Sa Lớn nhận nhiệm vụ Trung đội trưởng xe tăng tại Lữ đoàn 146. Là một chàng thư sinh trên đất liền nên khi đặt chân đến đảo anh cũng như những chiến sĩ khác còn nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, những bỡ ngỡ ban đầu đều được thay thế bằng tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giữ lấy đảo. “Tôi không thể quên những ngày ở đảo. Vỏn vẹn 2 năm công tác nhưng đó sẽ là kỷ niệm đặc biệt trong tôi. Chúng tôi được phân công nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, túc trực, canh gác ngày đêm. Nghe thông tin các đảo khác đang bị Trung Quốc hăm he, chúng tôi luôn luôn sục sôi tinh thần sẵn sàng quên mình vì Tổ quốc”, anh Thái, tâm sự.
Mãi là lính đảo khi Tổ quốc cần!
Khi nhắc đến nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, những người lính đảo năm xưa luôn một lòng sẵn sàng “khoác áo lính” để bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần đó được thể hiện rõ qua cử chỉ, lời nói của anh Thái và anh Tạo khi biết tình hình biển đảo hiện nay đang “dậy sóng”. Đối với anh Tạo, cuộc sống mới tại Bình Dương (lập nghiệp Bình Dương năm 2001) đang ổn định. Vợ chồng đang tích cực lao động nuôi 2 con ăn học, nhưng nếu có lệnh tổng động viên, anh sẽ tạm xa gia đình đến với đảo. Anh Tạo, nói: “Từng là chiến sĩ, từng canh gác biển đảo, hơn ai hết tôi hiểu được tình yêu biển. Hàng ngày xem ti vi, đọc báo, tôi vô cùng bức xúc trước những hành động gây hấn của Trung Quốc. Nếu Tổ quốc cần, tôi sẽ tình nguyện đăng ký lên đường vì biển đảo thân thương!”.
Anh Phương bên những kỷ vật khi còn là lính đảo
Tự hào về một thời hào hùng nơi “đầu sóng ngọn gió”, anh Thái thường kể cho con nghe về một thời binh nghiệp của mình. Tinh thần đấu tranh, tình yêu biển đảo của anh đã ngấm sang con trai. Từ đó, cậu bé 18 tuổi quyết tâm một lần được như ba, cầm súng, khoác áo lính hải quân lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biển đảo. Từ tháng 9-2013, con trai anh Thái tình nguyện làm đơn nhập ngũ tại Phú Quốc (Vùng 5 hải quân) trước sự bỡ ngỡ của bạn bè, gia đình. Anh Thái, cho biết ngày trước mỗi lần đưa con đi tắm biển, con trai hay nói: “Biển Việt Nam đẹp vậy”. Mỗi khi liên lạc với con, anh Thái hay đùa: “Giờ nhà mình có 2 chiến sĩ. Nếu Tổ quốc gọi thì ba con mình sẽ làm đồng đội”.
Nối bước thế hệ cha anh, Lê Nguyễn Minh Phương (SN 1990), xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) cũng đã hoàn thành nghĩa vụ của người lính đảo. Năm 2009, sau khi học xong phổ thông, Phương bắt đầu đi nghĩa vụ. Đầu tiên anh đi Cam Ranh, được 1 năm rồi chuyển về huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) cho tới ngày xuất ngũ. Tại đơn vị, Minh Phương đảm nhận trực thông tin liên lạc, thu phát tín hiệu ra đa. “Sau này xuất ngũ, thỉnh thoảng anh em đồng đội vẫn gọi điện hỏi thăm nhau. Trước hành động sai trái của Trung Quốc, chúng tôi luôn tin tưởng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Mọi người hẹn nhau khi Tổ quốc cần sẽ sẵn sàng lên đường, hẹn gặp nhau nơi biển đảo”, Minh Phương bộc bạch. Nghe các anh tâm sự về đời lính đảo, anh Phạm Khánh Hưng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự phường Phú Mỹ, thêm vào: “Nếu có lệnh tổng động viên, tôi sẽ là người đi đầu tiên. Chúng tôi nguyện chắc tay súng để bảo vệ biển đảo Việt Nam”.
Đã là người lính chắc hẳn ai cũng có những kỷ niệm không quên. Với những người lính đảo, họ sẽ không bao giờ lùi bước, họ còn truyền “lửa” cho thế hệ trẻ mai sau. Tình yêu quê hương, hướng về biển đảo luôn “cháy” mãi trong lòng của các anh và trong mỗi con người Việt Nam được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. q
ĐỖ TUÂN
Kỳ 2: Tiếp bước thế hệ cha anh