Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam ngang tầm ASEAN

Cập nhật: 31-07-2014 | 00:00:00

  Khách hàng mua sắm tại siêu thị miễn thuế cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 31.7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (dự án USAID/GIG) tổ chức hội thảo Triển khai Nghị quyết 19 cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Những nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam cắt giảm chi phí, thời gian và rủi ro cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Nghị quyết 19/2014/NQ-CP, ban hành ngày 18.3.2014 được đánh giá là gói cải cách có ảnh hưởng sâu rộng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết này là nâng các chỉ số cạnh tranh chính của Việt Nam ngang bằng mức trung bình của 6 nước ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei, Singapore).

Triển khai Nghị quyết 19 là hướng đến một lộ trình cho các cơ quan Nhà nước cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp trong ba chỉ số gồm cải thiện thương mại qua biên giới, thuế quan và tiếp cận điện.

Tại hội thảo, các cơ quan Nhà nước liên quan (bao gồm Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội và Tổng công ty Điện lực EVN) đều thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện kết quả của ba chỉ số này từ nay đến năm 2015.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi một số thông tư để giảm bớt thời gian làm thủ tục, đồng thời phù hợp với đúng tiêu chuẩn kế toán quốc tế.

Dự kiến, về thuế sửa 11 nội dung với 6 biểu mẫu, 6 nhóm tờ khai. Riêng việc này có thể giúp giảm 201 giờ làm thủ tục.

Việc sửa đổi quy định cho phép doanh nghiệp vừa và nhỏ kê khai thuế theo quý, giảm tần suất kê khai cũng có thể giúp giảm 88 giờ nộp thuế.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, CIEM đang tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội nhằm tìm ra giải pháp chung cho những thách thức mà Việt Nam gặp phải liên quan đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Với sự hỗ trợ của USAID và dự án “Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện,” CIEM sẽ thực hiện những chương trình hành động nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư khi bắt đầu sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo nhiều công ăn việc làm và tăng trưởng nhanh cho nền kinh tế.

Ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh cho biết, Việt Nam xếp thứ 99/189 quốc gia tham gia thứ hạng kinh doanh. Cơ sở tính là dựa trên trả lời của những người tham gia nghiên cứu về các chỉ số như khởi sự doanh nghiệp, giấy phép doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn, nộp thuế, giao thương qua biên giới, giải thể…

Theo ông Olin McGill, thứ hạng của Việt Nam chưa ấn tượng, xếp ở vị trí trung bình dù cũng có những chỉ số làm tốt.

Hiện Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc nên chưa rõ hiệu quả của những chính sách này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=292
Quay lên trên