Công bố 3 phương án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Cập nhật: 29-07-2014 | 00:00:00

 

Thí sinh dự thi môn Toán tại Hội đồng thi Đại học Ngoại thương, Hà Nôi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Sáng nay, ngày 29-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ba phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để lấy ý kiến đóng góp của các địa phương tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015. Kỳ thi này sẽ thay kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hiện nay.

Theo đó, mục đích của kỳ thi quốc gia này nhằm xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Bộ cũng đặt mục tiêu kỳ thi tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra ba phương án và phân tích các ưu, nhược điểm từng phương án để lấy ý kiến đóng góp của người dân như sau:

Phương án 1: Thi theo môn

Có 8 môn thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường đại học, cao đẳng quy định.

 

Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW [Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-PV].

Với phương án 1, thí sinh có thể đăng ký thi nhiều môn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ưu điểm của phương án 1 là việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW, tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn trình độ thí sinh. Phương án này cũng phân luồng mạnh đối với người học sau cấp trung học phổ thông, giúp các trường đại học, cao đẳng lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường.

Không có nhiều thay đổi lớn so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 nên phương án này cũng ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình trung học phổ thông từ năm 2014 về trước tham dự Kỳ thi. Việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng.

Ngoài ra, học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, phương án này cũng có nhiều khó khăn khi kỳ thi diễn ra trong 4 ngày (8 buổi thi) nên công việc của giáo viên nhiều hơn, chi phí tổ chức thi sẽ tăng thêm. Việc thi 8 môn cũng có thể dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi.

Phương án 2: Thi theo bài với 8 môn

Ở phương án này, 8 môn học ở lớp 12 gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học) và bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí);

Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

 

Ưu điểm của phương án này là thời gian thi ngắn hơn với 2,5 ngày, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Bên cạnh đó, mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1, đồng thời hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.

Gọn nhẹ hơn nhưng phương án 2 lại có nhiều nhược điểm.

Thứ nhất là việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh;

Thứ hai, nếu thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị các ở tất cả các khâu: ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên.

Thứ ba là việc chấm thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm một bài thi như bài thi Khoa học Tự nhiên gồm giáo viên của 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cùng chấm; bài thi Khoa học Xã hội gồm giáo viên của 2 môn Lịch sử, Địa lí cùng chấm;

Thứ tư là thời gian dành cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hóa trình độ học sinh nhằm phục vụ tốt cho tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là khó khăn hơn.

Phương án 3: Thi theo bài với 11 môn

Với phương án này, việc tích hợp các môn học được thực hiện triệt để hơn nữa so với phương án hai.

Cụ thể, 11 môn học ở lớp 12 trung học phổ thông gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: Bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học); bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân); bài thi Ngoại ngữ;.

Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.

Giống như phương án 2, việc tổ chức thi theo phương án 3 gọn nhẹ hơn và giảm chi phí, đẩy mạnh tích hợp môn học, hạn chế cắt xén chương trình.

 

Phương án này nếu thực hiện cũng sẽ gặp những thách thức như phương án 2. Ngoài ra, việc sử dụng 11 môn thi để tổng hợp thành 4 bài thi gây áp lực, căng thẳng cho học sinh vì  học sinh phải học và ôn tập nhiều môn thi.

Đối với thí sinh đã hoàn thành chương trình trung học phổ thông từ năm 2014 về trước, được tham dự kỳ thi để sử dụng kết quả vào xét công nhận tốt nghiệp (đối với những thí sinh chưa tốt nghiệp) và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, hiện Bộ vẫn đang cân nhắc giữa các phương án và sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của xã hội để đưa ra quyết định phù hợp nhất để áp dụng ngay trong năm 2015./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=301
Quay lên trên
X