Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Tăng sức mạnh "bó đũa"

Cập nhật: 18-05-2014 | 00:00:00

   (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Hiện nay, cả nước có khoảng trên 500 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Hàng năm, các doanh nghiệp SME đóng góp khoảng 40% GDP và thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước.

Mặc dù đông về số lượng nhưng trên thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn rất yếu kém về thực lực tài chính, quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp.

Lớn về số lượng, nhỏ về quy mô

Trong nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp SME hiện đóng vai trò tích cực là 1 trong 4 động lực quyết định, có tốc độ phát triển nhanh, nhân tố chủ đạo về việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp SME có số vốn khoảng 121 tỷ USD, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp. Song, số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiến 29,6% và còn lại 65,7% là siêu nhỏ.

Về doanh nghiệp SME khu vực phía Bắc,  ông Đặng Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hưng Yên cho biết, số lượng các doanh nghiệp SME phía Bắc có gần 20 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 95%-97% trong các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, ông Quân chỉ ra, các doanh nghiệp SME khu vực phía Bắc cũng trong tình trạnh chung với các doanh nghiệp trên cả nước: Số lượng thì lớn song quy mô thì rất nhỏ, lao động chủ yếu là phổ thông, công nghệ lạc hậu, vốn mỏng, thị trường manh mún; năng suất lao động và chất lượng sản phẩm thấp, dẫn đến năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh thấp. Bên cạnh đó, tính liên kết, liên doanh hợp tác, hỗ trợ bảo vệ nhau của các doanh nghiệp cũng rất yếu.

... Và điệp khúc “đói” vốn

Nguyên nhân gần 3 thập kỷ qua kể từ khi đổi mới đến nay, khối doanh nghiệp SME của Việt Nam vẫn chưa thể lớn mạnh ngang tầm khu vực thì phải kể ra rất nhiều, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất theo các doanh nghiệp vẫn là “lực bất tòng tâm.”

Bên cạnh tiềm lực vốn của doanh nghiệp SME vốn đã mỏng, nay lại càng trở nên “mong manh” hơn trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang hết sức khó khăn.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, “tiếp cận tín dụng khó khăn là trở ngại lớn cho tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp SME, trong bối cảnh một bộ phận doanh nghiệp đang phải hoạt động cầm chừng, thầm chí là giải thể và phá sản… vì không thể chống chọi được tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế, với hệ lụy thị trường bị thu hẹp, vòng quay vốn chậm, hàng tồn kho cao, nợ xấu phát sinh...”

Theo ông Nam, hiện chỉ có khoảng hơn 32% doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận và được vay vốn thường xuyên, còn lại phần lớn rất khó hoặc không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Lý do phần lớn các doanh nghiệp cho rằng, kinh doanh hiện nay khó có tỷ suất lợi nhuận tới 14-15% để chịu nổi mặt bằng lãi suất cho vay. Trong khi đó, tài sản đảm bảo của họ đang dần cạn kiệt, doanh thu sụt giảm, quy mô thu hẹp... Chính vì vậy, khả năng để đáp ứng các điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng đang quá sức với những doanh nghiệp này.

Muốn mạnh, phải kết thành “bó đũa”

Ông Lại Văn Quế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Tuyên Quang cho biết, để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn trên, các doanh nghiệp SME phải có sự kết nối chặt chẽ nhằm tạo ra sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo “sức nặng” trong tiếng nói chung. Do đó, cuộc “hội ngộ doanh nhân” tại Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ VII tại Tuyên Quang, ngày 17/5 đã tập trung bàn các giải pháp để tăng tính liên kết giữa các thành viên cũng như nâng cao tiếng nói của hiệp hội.

Các thành viên đều thừa nhận, sự liên kết giữa hội viên và hiệp hội thiếu chặt chẽ, đội ngũ cán bộ công tác tại hiệp hội chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu cán bộ trẻ năng động, đào tạo bài bản…

Vì vậy, để hiệp hội thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với Chính phủ, giữa doanh nghiệp với thế giới hội nhập, ông Đặng Đình Quân nhấn mạnh: Trong thời gian tới, hiệp hội sẽ thường xuyên tập hợp những kiến nghị của doanh nghiệp về phát luật, về cơ chế chính sách; làm đầu mối phối hợp thúc đẩy liên doanh giữa các hội viên trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, xúc tiến thương mại; tuyên truyền văn hóa kinh doanh tiến bộ; thực hiện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại…

Về những khó khăn của doanh nghiệp nêu ra, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, hiệp hội sẽ ghi nhận các ý kiến của hội viên và tiếp tục xây dựng các kế hoạch, giải pháp tìm cách từng bước tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp giúp duy trì sản xuất kinh doanh và phát triển trong thời gian tới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=422
Quay lên trên