Liên kết để phát triển vật liệu xây dựng bền vững

Cập nhật: 11-08-2014 | 10:26:14

Lãnh đạo các sở, ngành cùng hơn 160 doanh nghiệp các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tham gia hội nghị liên kết phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) theo hướng bền vững lần thứ 4 vừa được tổ chức tại Bình Dương.

Đại biểu tham dự Hội nghị liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững lần thứ 4 tham quan sản phẩm trưng bày của các công ty Ảnh: P.A

Nhiều thuận lợi
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương theo từng lĩnh vực, từng ngành, từng sản phẩm ngày càng chứng minh sâu sắc sự liên kết và phát triển bền vững là một tất yếu. Đó là sự liên kết giữa các vùng, giữa các địa phương, giữa các ngành… Bên cạnh đó, phát triển bền vững là một trong 7 quan điểm phát triển của quy hoạch; phát triển bền vững phải phát triển tổng hòa các yếu tố kinh tế vĩ mô, môi trường và xã hội.
Tìm hiểu thực tế hiện nay cho thấy, doanh nghiệp sản xuất VLXD có quy mô lớn, công nghệ sản xuất hiện đại chưa có nhiều. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công nghiệp VLXD là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế. Ở Bình Dương và các tỉnh trong vùng, nhiều công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở đã và đang được đầu tư, tạo nhu cầu lớn về VLXD. Do đó, yêu cầu đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh VLXD là phải gắn với phát triển bền vững và sinh thái.
Theo đánh giá của ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, Bình Dương hiện là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực VLXD (167 doanh nghiệp); là địa phương đang đầu tư phát triển mạnh hạ tầng xã hội, hạ tầng xây dựng và đã phê duyệt quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020. Do đó, đây sẽ là một trong những tiền đề để địa phương và các doanh nghiệp liên kết phát triển bền vững.
Trên quan điểm quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020 phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch của các ngành khác trong tỉnh; phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm tính bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Thời gian qua Bình Dương là một trong những tỉnh làm tốt việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch Hoffman. Việc làm này phù hợp với lộ trình phát triển của ngành VLXD không nung của Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng như công tác quy hoạch phát triển đô thị và giảm thiểu ô nhiễm môi trường của địa phương.
Ông Nguyễn Trần Nam đã đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Bình Dương trong việc chấm dứt hoạt động các lò gạch Hoffman, qua đó góp phần lớn trong quá trình phát triển VLXD theo hướng bền vững.

Thực hiện nhiều biện pháp
Nhằm đẩy mạnh sự liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững, thời gian qua Bình Dương đã thực hiện nhiều biện pháp như tham gia tổ chức hội thảo về việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung; Sở Xây dựng tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức Hội nghị liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững. Thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp hoạt động về VLXD có điều kiện trao đổi kinh nghiệm sản xuất, quản lý, phát triển và sử dụng VLXD cũng như giới thiệu sản phẩm và công nghệ hiện đại trong sản xuất VLXD...
Cũng tại hội nghị, ông Trần Trí Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương TP.HCM đã chia sẻ kinh nghiệm để phát triển ngành VLXD như tạo thị trường cho ngành VLXD; thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại kinh doanh VLXD phù hợp với tập quán sản xuất và tiêu dùng theo từng khu vực; tạo ra mối liên kết kinh tế giữa sản xuất - lưu thông - tiêu dùng…
Đối với Bình Dương, hiện đang hướng tới trở thành một trong những tỉnh xuất khẩu các loại VLXD hiện đại theo hướng bền vững. Do đó, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng vật liệu mới, thân thiện với môi trường; cùng với đó tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD để góp phần nâng cao chất lượng công trình...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm khẳng định, ngoài việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất để tăng tính cạnh tranh, Bình Dương còn là một trong những địa phương quyết tâm chuyển đổi từ sản xuất VLXD thủ công truyền thống sang hiện đại, hướng đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và khả năng tái sử dụng nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên