Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong năm học 2014- 2015, ngành GD-ĐT sẽ triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình (CT), giáo dục (GD) nhà trường phổ thông. Trước sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Bình Dương đã gặp gỡ Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Thế Phương để nghe ông chia sẻ về những hoạt động liên quan đến CT trên.
- Xin ông cho biết ý nghĩa của việc triển khai thực hiện thí điểm phát triển CT giáo dục nhà trường phổ thông?
- Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt đề án “Xây dựng mô hình trường phổ thông đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục giai đoạn 2012-2015”. Trên cơ sở hướng dẫn của bộ, trong năm học mới 2014-2015, ngành sẽ triển khai thực hiện phát triển CT GD nhà trường phổ thông.
Từ năm học 2012-2013, trường Tiểu học Định Hòa (TP.TDM) đã giảng dạy phương pháp “bàn tay nặn bột” cho học sinh. Ảnh: H.THÁI
Hoạt động này nhằm khắc phục hạn chế của CT, sách giáo khoa hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, hoạt động giáo dục của nhà trường. Yêu cầu được đặt ra là nâng cao được kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục của CT giáo dục phổ thông hiện hành do Bộ GD-ĐT ban hành. Bảo đảm tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học và các hoạt động giáo dục. Bảo đảm tổng thời lượng của các môn học và các hoạt động giáo dục trong mỗi năm học không ít hơn thời lượng quy định trong CT hiện hành. Bảo đảm tính khả thi với quyết tâm cao, tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ sở GD tham gia thí điểm.
Các hoạt động thí điểm được tính đến là gì, thưa ông?
- Để CT có tính khả thi, ngành đã tính toán những việc sẽ làm. Trước nhất là điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học trong CT hiện hành và xây dựng kế hoạch GD mới ở từng môn học, hoạt động GD và của nhà trường. Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức GD theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS). Trong đó chú ý vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động GD tích cực. Triển khai các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, GD theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực HS. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ lên lớp, ở trong hay ngoài phòng học. Ngoài việc tổ chức cho HS thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn các em học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường. Thực hiện đổi mới phương pháp GD, năm học 2013- 2014, ngành đã thực hiện thí điểm phương pháp “bàn tay nặn bột” ở một số trường tiểu học. Trong năm học tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai ở các trường tiểu học khác theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả GD theo định hướng phát triển năng lực HS cũng được ngành tính toán. Vận dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng coi trọng phát triển năng lực. Kiểm tra, đánh giá không chỉ tập trung vào việc xem HS học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra em đó học như thế nào, có biết vận dụng không; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình GD và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Ngành chỉ đạo các tổ/ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học và phân phối CT các môn học theo định hướng phát triển năng lực HS. Ở CT này, ngành cũng coi trọng việc đổi mới quản lý hoạt động dạy học, GD nhằm nâng cao hiệu quả phát triển CT GD nhà trường.
- Vậy những trường nào sẽ triển khai thực hiện thí điểm CT này, thưa ông?
- Trong năm học 2014-2015, ngành sẽ thực hiện thí điểm ở các trường THPT: Chuyên Hùng Vương, Trịnh Hoài Đức, Dĩ An, THCS -THPT Nguyễn Khuyến, THCS Chu Văn An (TP.TDM), THCS Mỹ Phước (TX.Bến Cát).
Ngành sẽ tổ chức hội thảo, tập huấn về thí điểm phát triển CT GD nhà trường theo định hướng phát triển năng lực HS cho cán bộ quản lý và giáo viên.
- Xin cảm ơn ông!
H.THÁI (thực hiện)