Nguyễn Văn Nghĩa: “Kỹ sư ” cơ khí không bằng cấp!

Cập nhật: 12-01-2013 | 00:00:00

Tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật, chuyên ngành cơ khí chế tạo, anh xin việc làm tại một công ty tư nhân. Nhưng sau 2 năm, nhận thấy mình không thể “bán chất xám” một cách rẻ mạt, anh quyết tâm mở một xưởng sản xuất với quy mô nhỏ chuyên chế tạo máy cơ khí. Cũng tại đây anh đã chế tạo thành công rất nhiều loại máy phục vụ sản xuất, đồng thời cũng tạo việc làm và truyền đạt kinh nghiệm cho anh em công nhân.

Mê nghề cơ khí

Với lòng đam mê cơ khí và óc sáng tạo, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Nguyễn Văn Nghĩa (Bình Hòa, TX. Thuận An) đã nuôi mơ ước trở thành một kỹ sư cơ khí, mang những sáng tạo của mình ra để chế tạo máy móc phục vụ cho đời sống hàng ngày. Ước mơ được nuôi dưỡng từ nhỏ là vậy, mặc cho bao nhiêu khó khăn nhưng anh vẫn quyết tâm thực hiện. Sau này, khi tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật chuyên ngành cơ khí chế tạo, anh lặn lội xuống TP.HCM xin việc làm tại một xưởng sản xuất nhỏ. Trong tiếng ồn ào của máy móc, anh tâm sự: “Ngày đó, do chỉ tốt nghiệp trung cấp nên cũng khó xin việc làm, sau khi xin được việc làm rồi thì đồng lương lại không đủ sống. Trong khi đó kiến thức và kinh nghiệm sáng tạo mà mình bỏ ra phục vụ cho họ lại quá nhiều. Thời gian sau có nhiều kinh nghiệm, tôi quyết định quay trở lại quê nhà mở một tiệm cơ khí nhỏ để thỏa sức sáng tạo”.

 Tại cơ sở nhỏ này anh Nghĩa đã chế tạo được những máy móc rất hữu dụng Thời gian đầu không ít khó khăn, chật vật về mọi mặt như không có vốn để mua đồ nghề, không có tiền thuê nhân công... Một mình anh với vài đồ nghề cơ bản và óc sáng tạo, nhưng anh cũng đã chế tạo được không ít máy móc, dụng cụ phục vụ cho sản xuất. Có khi cả những ngày chủ nhật anh cũng phải đi tới những cơ sở sản xuất tư nhân để nhận làm những máy móc nhỏ, lẻ. Vừa làm vừa nói chuyện, anh ngước lên với khuôn mặt đầy dầu nhớt rồi nói tiếp: “Làm nghề này căng thẳng lắm, có khi mấy đêm liền tôi không ngủ, chỉ ngồi suy nghĩ để chế tạo ra một cái máy. Khi mình có ý tưởng rồi thì lại bắt tay vào thử nghiệm, có khi thành công, nhưng cũng có khi thất bại”. Trầm ngâm một lúc, anh tiếp lời: “Lúc mới mở cơ sở, một người bạn giới thiệu cho ông khách người Ấn Độ tới đặt làm máy chế tạo bột nêm. Lúc đầu, ông khách rất khó chịu và thất vọng vì thấy cơ sở làm việc của mình quá nhỏ, lại thiếu thốn dụng cụ. Sau một lúc thuyết phục, ông ta cũng đồng ý cho mình cơ hội nhưng bắt ký vào cam kết. Hai tuần sau, mang máy tới giao thì ông ta hoàn toàn bất ngờ về chất lượng sản phẩm của mình. Đây là khoảng thời gian khó khăn và nhiều thử thách nhất mà mình từng trải qua, nhưng bên cạnh đó cũng mang lại cho mình nhiều bài học kinh nghiệm để đời”. Phải chăng cái nghề của anh cũng giống như làm dâu trăm họ, người này khen, người kia chê. Những khách hàng quen thuộc thì họ tin tưởng, còn một số khác thì vẫn còn nghi ngờ, buộc anh phải ký cam kết, nhưng anh vẫn không nản lòng bởi tin tưởng vào tay nghề của mình.

Những công trình sáng tạo

Quay lại khó khăn lúc ban đầu như cứ mỗi lần bán máy là anh lại tích góp từng đồng để mua đồ nghề. Cho đến bây giờ, anh Nghĩa đã gặt hái được không ít thành công, ngoài việc chế tạo ra những chiếc máy nhỏ như xay bột, làm thạch cao, làm bột đất... anh còn sáng tạo ra một số công trình lớn như máy sản xuất cho Công ty thức ăn chăn nuôi Bình Nhâm, Công ty Thành Công, chế tạo thành công máy sàng lọc vàng, máy tách vỏ cà phê, máy xay bột màu... và còn vô số những sáng tạo lớn nhỏ khác. Dù đạt được khá nhiều thành công, nhưng đời thường anh vẫn là một chàng “kỹ sư” thầm lặng, anh chia sẻ: “Cơ sở sản xuất không quảng cáo cũng không đưa thông tin lên mạng. Khách hàng chủ yếu là nhờ bạn bè giới thiệu, khi họ thấy làm được thì lại giới thiệu cho những người khác”.

Hiện tại, doanh thu hàng tháng của anh Nghĩa hơn 100 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, cái mà anh mang lại không chỉ là những sáng tạo về máy móc, thu nhập cao mà quan trọng hơn là đã tạo được việc làm cho người lao động. Những người theo anh học nghề, được anh truyền kinh nghiệm và cũng không ít những người trong số ấy đã ra ngoài mở cơ sở riêng, tạo dựng cho mình một tương lai vững chắc. Cũng chính những thành công ấy mà liên tục trong nhiều năm qua anh đạt được danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi tỉnh Bình Dương (2009- 2012)”. Bên cạnh đó, anh còn góp sức làm công tác xã hội như tham gia phong trào vận động cứu trợ nạn nhân lũ lụt, ủng hộ tiền, gạo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Anh chia sẻ: “Nguyện vọng của tôi là mở thêm nhiều cơ sở sản xuất, nhằm tạo nhiều hơn nữa việc làm cho công nhân, đồng thời mình cũng có nhiều điều kiện hơn để phát huy hết tiềm năng và sự sáng tạo”.

Thành công là vậy, nhưng ít ai biết được rằng anh cũng chỉ là một người nông dân bình thường như bao người khác. Và cũng ít ai biết được rằng ngoài việc chế tạo ra những công trình máy móc ấy thì anh còn là một tay chơi đờn ca tài tử rất “ngọt”. Vào những giờ rảnh rỗi, anh thường tập hợp bạn bè chơi đờn ca tài tử, để phần nào đó xóa đi được những mệt nhọc trong cuộc sống.

YÊN ĐỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1112
Quay lên trên