Kỳ 9: Tấm gương anh dũng
Năm 1954, thời điểm đồng chí Nguyễn Văn Ca (Sáu Tấn) tham gia lực lượng công an cũng là lúc Ba Bê, một tên nội gián tham gia vào đội du kích xã Tân An. Chính vì thế, diệt Ba Bê là một trong những nhiệm vụ của ông Sáu Tấn…
Ông Nguyễn Văn Mỏi (phải) kể lại cho phóng viên nghe về chiến công của ông Sáu Tấn bắt gọn tên Ba Bê tại Huyện đội Bến Cát
Mẩu giấy vạch trần tội ác
Do có nhiều thành tích trong quãng thời gian 1954- 1962, Ba Bê được đề bạt chức vụ Xã đội phó Tân An. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là sau khi Ba Bê giữ được chức vụ chỉ huy, điều động thì những lần dẫn anh em ta đi công tác đều bị lọt ổ phục kích, chỉ mỗi mình hắn thoát chết. Sự việc không thể nào là ngẫu nhiên, bởi trong thời gian này, căn cứ của ta luôn bị địch đánh phá một cách chính xác đến không ngờ. Thêm nữa, hầu hết những lần huyện tổ chức họp để triển khai công tác tại khu vực Tân An đều bị địch biết trước và lùng sục bắt bớ.
Chính ông Sáu Tấn là người đầu tiên đặt mối nghi ngờ về Ba Bê. Ông Tám Tàng, cận vệ của ông Sáu Tấn nhớ lại: “Anh ấy nằm trong căn hầm bí mật với tui, suy nghĩ trằn trọc mấy ngày liền rồi kết luận: Có lẽ Ba Bê là nội gián thật rồi! Vì không lý nào lại có nhiều lần ta bị địch đánh trùng hợp như vậy! Sau đó, anh bảo tôi im lặng, bí mật theo dõi Ba Bê nhiều tháng liền…”. Mối nghi ngờ của ông Sáu Tấn càng được khẳng định khi vào giữa năm 1963, Ba Bê tập hợp du kích triển khai công tác lúc 8 giờ sáng nhưng đến giờ hắn lại đi trễ rồi địch tập kích bất ngờ. Đặc biệt, có lần ở sông Thị Tính, chính Ba Bê bố trí trận đánh địch nhưng cuối cùng ta lại rơi vào ổ phục kích của địch khiến nhiều chiến sĩ hy sinh, riêng Ba Bê nhảy xuống sông thoát chết.
Trước tổn thất nghiêm trọng về người và căn cứ cùng những tình nghi ngày càng có cơ sở, ông Sáu Tấn quyết định kết hợp với đồng chí Lê Văn Cao (Út Cao), nguyên là Trưởng ban An ninh Tân An và đồng chí Năm Sanh, cán bộ điệp báo an ninh tỉnh tổ chức theo dõi, khẩn trương nắm tình hình, thu thập tài liệu làm rõ những nghi vấn. Tuy nhiên, với bản chất cáo già, Ba Bê không dễ bị lộ nguyên hình là tên nội gián của giặc. Mỗi lần đi công tác với du kích, hắn thường đi đầu, tay áo xắn cao làm ám hiện, khi đụng ổ phục kích, y chạy thoát nhưng giả vờ hoảng loạn, ngụy tạo thương tích…
Lính Mỹ vấp phải sự đánh trả quyết liệt của quân dân ta, buộc phải rút chạy trong một trận càn vào đồn điền cao su Michelin Ảnh: T.L
Mãi đến tháng 3-1964, trong một lần lực lượng bộ đội huyện Bến Cát về đóng tại xã Tân An, Ba Bê mới lộ rõ hành tung của mình. Biết trước thế nào Ba Bê cũng tìm cách mật báo cho địch, ông Sáu Tấn cùng đồng chí Lan, là quân báo huyện Bến Cát lẳng lặng theo dõi. Quả nhiên, bộ đội ta vừa ổn định được vị trí, tên Ba Bê đã lén lút cầm một mẩu giấy nhỏ giao cho đứa bé trong xã, bên trong có nội dung: “Lực lượng huyện đang ở đây, các ông đừng vào”. Thu được mảnh giấy, ông Sáu Tấn có đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định Ba Bê là nội gián của giặc. Từ đây, ông quyết tâm phải diệt gian, trả thù cho đồng đội và bảo vệ căn cứ.
Lập mưu diệt Ba Bê
Nói diệt Ba Bê đơn giản là thế nhưng đó cũng là nhiệm vụ hết sức nguy hiểm. Bởi với bản chất cáo già, ranh mãnh, Ba Bê biết từ lâu Ban An ninh huyện Bến Cát đã đặt hắn vào tầm nghi vấn. Chính vì thế, đi đâu Ba Bê cũng giắt súng ngắn và lựu đạn theo trong người. Bắt Ba Bê không phải dễ dàng. Dẫu vậy, ông Sáu Tấn vẫn kiên quyết trực tiếp ra tay hành động.
Ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi), nguyên Ủy viên Ban An ninh huyện Bến Cát nhớ lại: “Lúc đó tôi làm Xã đội trưởng An Điền. Cũng như anh Sáu Tấn, tôi rất thù tên Ba Bê vì nhiều lần nó suýt đưa tôi lọt vào ổ phục kích của giặc, lại có lần nó làm ta tổn thất mất 2 giao liên trong một lần làm nhiệm vụ. Tôi đề nghị được phép dùng súng bắn chết Ba Bê trả thù cho anh em nhưng anh Sáu Tấn không chấp nhận. Anh nói, phải bắt sống nó để khai thác thêm thông tin về những tên nội gián khác…”.
Phương án được ông Sáu Tấn đưa ra là phải bình tĩnh lập mưu mời Ba Bê về Huyện đội họp. Trong cuộc họp ấy, ông Sáu Tấn đứng ra chủ trì với nội dung tăng cường triển khai bảo vệ đồng bào, lực lượng và căn cứ. Tan họp, ông Sáu Tấn ân cần lại vỗ vai Ba Bê: Mời anh Ba ở lại dùng cơm trưa với tụi này, ta bàn riêng về đợt đưa cán bộ huyện về Tân An tăng cường cho Xã đội! Nghe thế, tên Ba Bê mừng rỡ như hổ sắp được dâng mồi ngon. Hắn không mảy may nghi ngờ, bèn ở lại ăn cơm trưa cùng ông Sáu Tấn và đồng chí Trần Văn Na (Tư Dò), nguyên Trưởng ban An ninh huyện Bến Cát.
Bữa cơm diễn ra căng thẳng như dây đàn. Ăn hết chén cơm thứ 2, ông Sáu Tấn giả vờ đưa cho Ba Bê nhờ xới chén kế tiếp. Lợi dụng lúc Ba Bê sơ hở, ông Sáu Tấn rút súng chĩa thẳng vào mặt Ba Bê thét lên đanh gọn: Ba Bê, mày đã bị bắt! Mày phải đền tội cho anh em! Tên Ba Bê mặt không còn một chút máu, thất thần giơ tay chịu trói. Hắn bị giải về An Tây để ta khai thác thêm. Trước những chứng cứ rõ ràng, Ba Bê khai nhận làm nội gián cho Ty Cảnh sát, đã phát triển được mạng lưới cơ sở rất rộng trong nội bộ ta. Ngay sau đó, ông Sáu Tấn tham mưu cho Ban An ninh Bến Cát phối hợp Ban An ninh tỉnh tổ chức mật phục, bắt gọn tổ chức nội gián của Ba Bê với 12 tên phản bội cùng nhiều tài liệu có liên quan. Ba Bê bị trừ khử, số còn lại đem giáo hóa tùy theo tội trạng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, thư ký riêng của ông Sáu Tấn nhớ lại: “Diệt tên Ba Bê là một trong những cuộc đấu trí căng thẳng nhất giữa anh Sáu với tổ chức gián điệp đầy nguy hiểm của tên này. Nếu anh Sáu Tấn không trực tiếp điều tra, chỉ đạo và ra tay, có lẽ không chỉ Ba Bê trốn thoát mà mạng lưới 12 tên nội gián của hắn còn gây tổn thất cho ta rất nhiều…”.
Không chỉ trừ khử tên Ba Bê, trong thời gian làm Trưởng ban An ninh huyện Bến Cát, ông Sáu Tấn còn trực tiếp ra tay tiêu diệt rất nhiều ác ôn của địch, một số bị ông bắt về giáo hóa, cải tạo 2 ngày tại căn cứ rồi thả về, nếu còn tái phạm sẽ thẳng tay trừng trị. Chính vì thế, cái tên Sáu Tấn trở thành nỗi khiếp đảm của quân thù, đến mức chúng treo thưởng sinh mạng của ông hàng triệu đồng, một món tiền khổng lồ thời bấy giờ.
Kỳ 10: Cho màu xanh quê hương
KHÁNH VINH - KIẾN GIANG