Những ký ức không quên

Cập nhật: 19-08-2014 | 09:28:05

Lập thành tích chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 19-8-1947, các lực lượng cách mạng đã đánh úp một đại đội quân Pháp tại ấp 2, xã An Tây (nay là ấp Lồ Ồ, xã An Tây, TX.Bến Cát). Chiến thắng từ trận đánh đã khẳng định sự ảnh hưởng và ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám đối với nhân dân quận Bến Cát (nay là TX.Bến Cát) nói riêng, nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một nói chung.

 Các lão thành cách mạng chỉ nơi diễn ra trận đánh ngày 19-8-1947 Ảnh: T.TÂM

Trận đánh chữ U

Trong những ngày cả nước đang nô nức chào mừng kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng tôi có dịp gặp gỡ những nhân chứng cách mạng lão thành đã từng vào sinh ra tử nơi chiến tuyến tại vùng Tam giác sắt. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ký ức về quá khứ, chiến tranh vẫn in đậm trong các cụ. Ông Lý Văn Chẩn (SN 1930, ấp An Thành, xã An Tây), nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Chi bộ xã An Tây cho biết, ông cùng các bậc lão thành cách mạng thường xuyên đọc báo Bình Dương và rất thích những câu chuyện lịch sử, hồ sơ tư liệu. Từng là người chứng kiến quân dân đánh úp đại đội quân Pháp tại ấp 2 An Tây và cảnh Tây cho chôn lính để ngày nay có tên gọi Gò Mả Tây nên ông mong muốn con cháu hiểu hơn về trận đánh đó.

Theo lời kể của ông Lý Văn Chẩn, tháng 4-1946, quân Pháp kéo một trung đội đến ấp 1, xã An Tây (nay là ấp An Thành) lấy nhà ông Cả Một làm đồn bốt uy hiếp sự đi lại, hoạt động mật của bộ đội ta và nhân dân trong vùng. Cuối năm 1946, đầu năm 1947, quân Pháp bỏ đồn rút quân về Thủ Dầu Một. Từ đó, xã An Lập, Phú An, An Điền thuộc vùng giải phóng. Khoảng tháng 5-1947, bộ đội ta có 4 người Đức (được cách mạng cảm hóa, thu phục) giả dạng sĩ quan Pháp xâm nhập bót Thới Hòa vẽ đường cho bộ đội ta vào bắt quân Pháp tại bót và cướp vũ khí. Chiến thắng mang lại cho quân ta nhiều súng đạn và khẩu đại liên. Cướp được khẩu đại liên đã giúp lực lượng cách mạng thêm mạnh, bởi thời đó vũ khí chiến đấu của quân ta còn thô sơ. Sau trận đánh, quân ta rút về An Tây củng cố lực lượng.

 Ông Hòn (trái) giới thiệu với cán bộ xã Phú An (nơi ông đang sinh sống) về bản đồ của trận đánh do ông vẽ Ảnh: T.TÂM

Không để quân ta có được khẩu súng quý, ngày 13-8-1947, quân Pháp ở Bến Cát kéo một đại đội gồm 8 tên Pháp, Việt gian đi qua An Điền xuống ngã tư Thùng Thơ đầu ấp 1, xã An Tây để tìm súng. Sau đó, quân Pháp từ ấp 1 lên ấp 2, xã An Tây, rồi ra ngọn rạch Gò Cát đi đến bến sông Sài Gòn. Lúc này, quân ta được giao liên báo tin. Trước tình hình đó, quân ta đã chia thành 3 hướng để tấn công địch, áp địch đến sát bờ sông Sài Gòn. Trong đó, Chi đội 6 cố thủ ngay trước mặt, Đại đội 3 (Chi đội 12) cố thủ ngọn Rạch Sơn (bên phải địch), bộ đội của ấp Hoàng Thọ phục kích ở ngọn rạch Gò Cát (bên trái địch). Như vậy, bộ đội ta đã bao vây địch hình chữ U. Trận đánh diễn ra nhanh gọn, ta đã diệt được 5 tên Pháp, bọn Việt gian, 3 tên Pháp chạy thoát, 1 chạy về Rạch Bắp bị bộ đội ta bắt, 1 tên ra sông Sài Gòn và bị chết đuối, tên còn lại trốn ở xã Phú An. Tại xã Phú An, đàn bà, con nít phát hiện đã đánh đuổi hắn chạy về Thủ Dầu Một.

Sau khi nhận tin báo từ tên Pháp tẩu thoát, ngày 15-8-1947, quân Pháp dùng toàn bộ lực lượng kéo quân lên mặt trận ấp 2, xã An Tây để chôn xác lính. Tới xã Phú An, An Tây, chúng gặp đàn ông bắt hết để đào hào dài khoảng 20m, ngang 2m chôn Việt gian. Riêng 5 tên Pháp bị chết, được chôn riêng một cái hố bên cạnh. Khi chất xong xác lính, chúng giết hết những người đào hố và thả luôn xuống hố. Đến năm 1949, khoảng tháng 4, quân Pháp quay trở lại lấy cốt 5 tên Pháp, còn người Việt và lính theo Pháp chúng bỏ lại.

Sức lan tỏa của trận đánh

Chứng kiến trận đánh anh dũng của quân ta, ông Đỗ Văn Hòn (SN 1930), người có công với cách mạng thời kháng chiến chống Pháp, hiện đang cư ngụ tại ấp An Thuận (xã Phú An) cho biết, trận đánh 19-8-1947, ông đang cùng các anh chị em trong xã An Tây (nơi ông sinh ra) làm du kích, cung cấp lương thực cho bộ đội. Sau khi quân ta đánh đuổi một đại đội quân Pháp với vũ khí thô sơ, tinh thần cách mạng ngày càng được hun đúc. Nhân dân trong vùng luôn sẵn sàng chiến đấu, đàn ông thoát ly đi cách mạng, người già và đàn bà làm nông để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Sức lan tỏa trận đánh đã ảnh hưởng đến các xã trong quận Bến Cát. Quân và dân các xã xung quanh đứng lên đánh đuổi giặc nên quân Pháp không thể lọt vào đánh tâm điểm 3 xã vùng Tam giác sắt (theo cách gọi sau này).

Quân Pháp không tấn công được nên 3 xã An Điền, An Tây, Phú An trở thành điểm dưỡng sức, củng cố lực lượng cách mạng. Cũng từ vùng đất này nhiều thanh niên tình nguyện tham gia kháng chiến, hy sinh thân mình để bảo vệ sự bình yên cho quê hương. Ông Trần Văn Đỡ (SN 1939), cựu chiến binh xã An Tây cũng tâm sự: “Chứng kiến trận đó, bản thân tôi càng thôi thúc ước mơ được khoác lên mình chiếc áo xanh người lính, cầm chắc tay súng bảo vệ quê hương. Do vậy, tôi đã thoát ly vào cách mạng từ sớm và tham gia nhiều trận đánh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trở về quê hương với vết thương chiến trường nhưng tôi chưa bao giờ nản chí mà coi đó là niềm tự hào vì đã cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Ngoài ra, tôi còn giáo dục con cháu đời đời nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ, hoàn thiện bản thân để xây dựng và bảo vệ quê hương thêm giàu đẹp.

Ông Lý Văn Chẩn: Trận đánh thể hiện tinh thần đoàn kết, mưu kế, dũng cảm của quân và dân Bến Cát trong kháng chiến chống Pháp. Trong trận đánh, quân dân ta nhiều người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ sự bình yên cho dân tộc. Do đó, ông cùng các bậc lão thành kể lại để con cháu hiểu thêm về lịch sử vùng Tam giác sắt anh hùng. Bên cạnh đó, các ông còn đề nghị dựng tấm bia chiến thắng để ghi nhận sự hy sinh của các bậc anh hùng và nhân dân trong trận 19-8-1947.

Phó Chủ tịch UBND xã An Tây Trần Trung Thành: Sau khi nhận được yêu cầu của các bậc lão thành về việc xin dựng bia chiến thắng, UBND xã đã xem xét, gặp gỡ các cụ. Theo đó, xã đã nhận những bản viết tay kể lại diễn biến trận đánh của cụ Đỗ Văn Hòn, Lý Văn Chẩn và nghe các cụ khác kể thêm. Những chi tiết trong trận đánh được các cụ kể lại khớp với nhau đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trước đề nghị của các cụ, rất mong các ngành chức năng xem xét, nghiên cứu thêm về lịch sử trận đánh để có đủ điều kiện lập bia chiến thắng tại ấp Lồ Ồ, xã An Tây. Từ đó, giúp thế hệ mai sau có thêm tư liệu về kháng chiến chống Pháp của quân dân 3 xã An Tây, Phú An, An Điền nói riêng, Bến Cát nói chung.

Ông Hà Văn Thăng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Hiện nay trong cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang TX.Bến Cát” tái bản lần II đang bổ sung trận đánh trên. Để lập bia chiến thắng, các cụ lão thành cách mạng chứng kiến trận đánh cần đề nghị với Đảng bộ TX.Bến Cát để xem xét. Bên cạnh đó, Địa đạo Tam giác sắt đang được xây dựng, sau kiến nghị của các lão thành cách mạng, Đảng bộ Bến Cát nên xem xét để lập bia trong cụm di tích Tam giác sắt.

 

 T.TÂM - H.NHUNG

 

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên