Nóng bỏng thị trường cà phê hòa tan

Cập nhật: 08-09-2013 | 00:00:00
Cạnh tranh trên thị trường cà phê hòa tan Việt Nam tiếp tục nóng lên với sự xuất hiện của các sản phẩm mới cũng như sự tham gia của một số doanh nghiệp mới.

Sản phẩm mới nhất được đưa ra thị trường là Café Phinn uống liền của Vinacafé Biên Hòa, với mức giá 2.000 đồng/gói.

Vừa giới thiệu ra thị trường, Café Phinn của Vinacafé Biên Hòa đã được quảng cáo dồn dập trên hơn 70 kênh truyền hình trong nước cũng như được đưa ngay vào các hệ thống phân phối và kênh bán lẻ hiện đại và truyền thống.

 Ba ông lớn Nestlé, Vinacafé Biên Hòa và Trung Nguyên chiếm khá nhiều chỗ trong ngành cà phê. 

Trước đó, Trung Nguyên đã giới thiệu ra thị trường loại cà phê tươi đóng chai dung lượng 500 ml với mức giá khoảng 27.000 đồng, đang được bán trong siêu thị Metro.

Trung Nguyên cũng giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm cà phê hòa tan G7 X2, được quảng cáo là gu mạnh gấp đôi so với các loại cà phê cùng loại.

Trong khi đó, Nestlé có sản phẩm Café Việt cũng nhắm vào các khách hàng ưa thích loại cà phê có hương vị đậm đà theo gu truyền thống của người Việt.

Hương vị mạnh đang là xu hướng của các sản phẩm mới của các nhà sản xuất cà phê, với Café Việt của Nestlé, G7 X2 của Trung Nguyên.

Có thể thấy là cuộc cạnh tranh trên thị trường cà phê hòa tan đang khá khốc liệt giữa ba công ty lớn trong ngành là Nestlé, Vinacafé Biên Hòa và Trung Nguyên … Ngoài ra, một số doanh nghiệp cả trong và ngoài nước cũng tham gia cuộc chơi cà phê hòa tan.

Một tên tuổi đã bám trụ thị trường Việt Nam khá lâu là McCoffee của Food Empire Holdings Limited, một công ty có trụ sở tại Singapore.

Một số nhà sản xuất cà phê rang xay trong nước cũng đã cho ra đời các sản phẩm cà phê hòa tan như Thu Hà, Mê Trang, Phú Thái

Vinamit cũng không đứng ngoài cuộc, dù rằng sản phẩm cà phê hòa tan của công ty này chủ yếu để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, ở Việt Nam hiện tại có 20 công ty sản xuất cà phê hòa tan.

Một số siêu thị cũng làm nhãn hàng riêng của mình như Big C có nhãn hiệu Big C, còn Metro có nhãn hiệu Fine Good cà phê hòa tan hay Rioba từ Ý, thương hiệu riêng của Metro.

Cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các sản phẩm cà phê trong nước mà các sản phẩm này, dù có lợi thế về giá, nhưng còn phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh từ các thương hiệu từ nước ngoài, như Tchibo. Sản phẩm cà phê bột hòa tan từ Đức này cũng đã được bày bán trong siêu thị, với mức giá khá cao, khoảng từ 140.000 đến hơn 200.000 đồng/hộp 100g. Trong khi đó sản phẩm thương hiệu Redcup của Nestcafé hộp 200g có giá chưa đến 100.000 đồng.

Các nhà sản xuất cà phê hòa tan cũng tích cực đầu tư vào việc xây dựng nhà máy mới, mở rộng sản xuất.

Nestlé vừa khánh thành nhà máy trị giá hơn 320 triệu đô la Mỹ ở Đồng Nai. Còn Vinacafé Biên Hòa cũng vừa đưa vào hoạt động nhà máy công suất 3.200 tấn ở Long Thành, Đồng Nai.

Ở Đắk Lắk, hồi cuối tháng 4, Công ty TNHH Cà phê Ngon từ Ấn Độ cũng khánh thành nhà máy cà phê hòa tan có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

Theo Nielsen Việt Nam, năm 2012 ngành cà phê hòa tan tăng trưởng ở mức cao, lên đến 34% về giá trị so với năm 2011.

Theo Kinh Tế Sài Gòn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên