Nông dân Nguyễn Thanh Tâm: Nuôi gà, nuôi trăn làm nên cơ nghiệp

Cập nhật: 23-02-2013 | 00:00:00

Từ ông chủ một trang trại chăn nuôi gà với nguồn thu nhập cao ngất ngưởng, ông Nguyễn Thanh Tâm (khu phố Trung, P.Vĩnh Phú, TX.Thuận An) đã mở thêm mô hình nuôi trăn, một phần cũng là đam mê, phần khác là làm kinh tế phụ. Nhưng cũng từ những nguyên do ấy mà hiện tại ông đang sở hữu một trại nuôi trăn khá lớn với thu nhập cao. Ông Tâm cho biết: “Nuôi trăn là đam mê từ lâu, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên tôi dấn thân vào nghề hơi trễ so với dự tính trước đây”.

 Đàn trăn của ông Tâm hàng năm mang về lợi nhuận khá cao cho gia đình

Từ ông chủ trang trại nuôi gà

Vốn dĩ là một nông dân như bao người khác, làm đủ mọi nghề để lo toan cho cuộc sống gia đình. Thời gian đầu, ông Tâm trồng cây cảnh, chủ yếu là cây mai, vừa là để bán vừa để chơi, nhưng nguồn thu nhập mang về không nhiều. Ông Tâm chia sẻ: “Tuy lợi nhuận thu về từ cây mai cũng cao nhưng chỉ cho thu nhập mỗi năm một lần, trong khi đó diện tích đất lại khá rộng nên gia đình cũng dự tính chăn nuôi gà hay heo để thu thêm lợi nhuận”. Nghĩ là làm, ông và gia đình bắt tay vào mua gà về nuôi, thời gian đầu chỉ vài trăm con. Sau đó thấy lợi nhuận mang về khá cao mà rủi ro lại thấp nên ông mở rộng quy mô chăn nuôi lên tới 6.000 con gà. Chưa trừ chi phí, đàn gà của ông mang về khoảng 350 triệu đồng một lần bán. Cứ thế dần dần ông được mọi người xung quanh gọi là ông chủ trại gà lúc nào không hay. Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông nói: “Những năm được mùa trang trại gà mang về cho gia đình nguồn thu nhập khá cao. Nhưng cũng có những năm gà bị dịch bệnh, mất giá khiến cho gia đình phải điêu đứng tưởng chừng như mất trắng”.

Lợi nhuận đi kèm khó khăn, nhưng chưa bao giờ gia đình ông nghĩ đến việc bỏ nghề hay chuyển đổi mô hình chăn nuôi khác. Vừa cho trăn ăn, ông Tâm vừa nói: “Nghề nuôi gà cũng khá vất vả, đặc biệt là việc vệ sinh chuồng trại phải khá kỹ vì chỉ cần sơ suất là gà sẽ bị dịch bệnh rồi lây lan ra các con khác. Sau khi xuất gà bán, tôi phải dọn dẹp chuồng trại thật kỹ rồi mới nhập gà mới về. Thường thì một lứa gà nuôi khoảng 9 tuần là bán được nên thu nhập của gia đình khá đều”. Niềm vui của một nông dân gặt hái được nhiều thành công như hiện rõ hơn trên khuôn mặt ông, ông chia sẻ tiếp với chúng tôi: “Tuy nuôi gà mang về nguồn thu nhập chính cho gia đình, nhưng cái nghề trồng cây cảnh đã gắn bó với tôi từ rất lâu nên tôi không thể bỏ. Trước đây khi chưa có thu nhập từ trang trại gà, tôi và gia đình cũng chỉ sống bằng nghề trồng và cho thuê cây cảnh”. Ông Tâm cũng không ngại ngùng chia sẻ với chúng tôi về thu nhập từ cây cảnh. Tính trung bình, cứ mỗi độ tết đến xuân về, 30 gốc mai của ông cũng mang về cho gia đình khoảng 200 triệu đồng. Ông nói: “Khách chơi mai rất tinh xảo, họ thích những cây mai lâu năm, có nhiều người trở thành khách quen bởi năm nào cũng đến đây thuê mai. Đôi khi họ còn nhờ tôi tới nhà chăm sóc những cây mai lâu năm cho họ. Chỉ như vậy thôi tôi cũng thấy rất vui và hạnh phúc”.

Đến việc thực hiện ước mơ nuôi trăn

Tuy cuộc sống gia đình đã được cải thiện khá nhiều, đồng thời cũng đã trở thành một ông chủ trang trại khá lớn. Nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại ở đây. Ông Tâm nói: “Từ lâu, tôi đã có dự tính sẽ mở thêm mô hình nuôi trăn. Nhưng chưa dám bắt tay vào thực hiện vì sợ mình chưa có đầy đủ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc cho trăn”. Cái ước mơ ấy cứ thôi thúc ông suốt một thời gian dài. Ông quyết định học hỏi kinh nghiệm từ một số người bạn, đồng thời cũng tìm hiểu thêm sách báo. Có một chút hiểu biết về nghề nuôi trăn, ông bắt tay vào thực hiện mơ ước bấy lâu của mình nay.

Nhớ lại lúc đầu bắt tay vào nghề tuy không bị thất bại nhưng khó khăn thì nhiều, ông cho biết, thời gian đầu không dám nuôi nhiều, chỉ nuôi mấy con để thử nghiệm. Nuôi trăn cũng khá khó khăn chứ không đơn giản chút nào, cách xây chuồng cũng đòi hỏi đúng yêu cầu, thường thì chuồng nuôi phải là hình hộp chữ nhật, có bộ khung bằng gỗ hoặc sắt thép, xung quanh là lưới thép, có lỗ nhỏ hơn đầu trăn, cửa ra vào phải có khóa. Kích thước của chuồng có chiều dài tối thiểu bằng chiều dài tối đa của trăn, chiều rộng và chiều cao có tỷ lệ tương ứng cho phù hợp với sự hoạt động của trăn và việc chăm sóc nuôi dưỡng. Chuồng nuôi cách mặt đất 30-50cm để dễ dàng vệ sinh... Với kích thước chuồng 3m x 1m x 1m, có thể nuôi 10 con trăn từ 1-2 tháng tuổi cho tới lúc bán thịt, thường là 1-2 năm, hiệu quả kinh tế cao. Nếu nuôi lâu hơn, trăn lớn hơn thì tăng thêm kích thước chuồng nuôi. Thức ăn chính của trăn là đầu gà, tính trung bình đàn trăn của ông Tâm tiêu thụ hết khoảng 10kg đầu gà một ngày, nhưng vào mùa đông trăn ăn ít hơn và thường tìm nơi ấm áp để ngủ đông, do đó lượng thức ăn sẽ giảm đi, thường thì khoảng 4 ngày mới cho ăn một lần. Các mùa khác trăn sinh trưởng, phát triển và sinh sản bình thường. Chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi trăn cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển, ông Tâm cho biết thêm: “Quá trình sinh trưởng, phát triển phải trải qua những lần lột da. Sự lột da không diễn ra theo một chu kỳ nhất định. Trăn lột da nhằm rũ bỏ lớp da cũ, già cỗi, chật chội, tạo điều kiện cho tế bào mới phát triển tốt hơn. Khi sắp lột da, trăn không ăn mồi, tính trở nên hung dữ, da chuyển từ màu sẫm sang màu trắng, thích chỗ yên tĩnh hay trầm mình trong nước. Lớp da mới mang màu sắc đẹp, mềm bóng. Sau 20 ngày da trăn trở lại bình thường, trăn khỏe và lớn nhanh”.

Cho đến bây giờ, từ một người nuôi trăn theo sở thích, ông tâm đã sở hữu một đàn trăn lên tới 40 con với 15 con trăn giống. Số lượng tuy không nhiều, quy mô tuy không lớn nhưng lợi nhuận mà trăn mang về cho gia đình ông khá cao. Từ một người trồng cây cảnh, với diện tích đất khoảng 3.000m2, ông Tâm đã trở thành một ông chủ trang trại sở hữu hai mô hình chăn nuôi khác nhau với quy mô khá lớn và lợi nhuận cao.

YÊN ĐỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên