Thoát nghèo bằng cây măng cụt

Cập nhật: 09-06-2012 | 00:00:00

Không một mảnh đất cắm dùi, làm mướn bằng đủ nghề khác nhau, nhưng ở tuổi ngũ tuần, ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền đã tạo dựng được một cơ ngơi khá ổn với vườn cây ăn trái và ao thả cá khá lớn.

Phải khá vất vả chúng tôi mới tìm đến được “nông trại” của ông Tỵ. Một đoạn đường dài băng bưng lầy lội và nhỏ xíu giữa trời mưa không xua đi được lời giới thiệu khá hấp dẫn của Hội Nông dân xã: Xuống vườn nhà ông Tỵ thích lắm, vì đủ cả các loại trái cây và cá nuôi. Khi chúng tôi đến, ông đang cùng 2 người con trai xoay vần với máy hút bùn dưới hồ. Ông nói, nghe bảo có người ở ngành nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh sắp lên hướng dẫn thả và nuôi giống cá mới nên đang xử lý hồ để chuẩn bị nuôi.

Năm 2000, ông Tỵ gom góp được 30 triệu đồng mua đúng 1,5 mẫu đất được xem là bỏ hoang ở ấp Suối Cát, giáp sông Sài Gòn. Vì nơi này nhiễm phèn nặng cùng với việc bị ngập úng liên tục nên chủ cũ chào thua bỏ hoang không canh tác. Dẫu vậy, khi mua được đất ông Tỵ bắt đầu rửa phèn, cải tạo đất bằng vôi rồi đắp bờ bao bảo vệ vườn dọc theo sông Sài Gòn.

Trồng lúa được vài vụ, ông Tỵ cảm thấy vẫn không ổn. Bởi cây lúa dù sao cũng chỉ là thứ cây trồng làm đủ để ăn, chống đói chứ muốn thoát nghèo thì phải tính kế khác. Thế là ông đi khắp nơi học hỏi mô hình làm ăn. Loay hoay mãi ông mới phát hiện ra rằng ở đất Thanh Tuyền coi vậy mà trồng được cây măng cụt. Bởi điều kiện thổ nhưỡng ở đây rất giống vùng măng cụt Lái Thiêu nổi tiếng. Thế là vào đầu năm 2005, ông bắt đầu mày mò nghiên cứu và trồng 250 gốc măng cụt trên diện tích hơn 1 mẫu đất. Diện tích còn lại ông tiếp tục đào hồ nuôi cá và trồng lúa, lấy ngắn nuôi dài.

Hiện nay, với diện tích hồ lên đến 2.500m2, ông Tỵ thả nhiều loại cá khác nhau theo tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Có 3 loại cá mà ông nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao là cá phi Đài Loan, cá tai tượng và cá rô đồng. Cá từ lúc thả đến khi thu hoạch mất từ 6 - 12 tháng nhưng đem lại hàng chục triệu đồng tiền lãi.

Bây giờ sau 7 năm phát triển vườn cây măng cụt 250 gốc, ông Tỵ mới thực sự “hái” được quả ngọt từ đất.  Năm 2011, khi măng cụt bắt đầu cho quả, ông thu được 1 tấn, bán ra thị trường ông thu về 30 triệu đồng. Năm nay, dù măng cụt thất mùa trên khắp địa bàn tỉnh Bình Dương và các vườn cây khác đều cho năng suất thấp nhưng vườn măng nhà ông Tỵ vẫn cho sản lượng 1,5 tấn, lại được giá nên ông thu về khoảng 50 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Tỵ cho biết: “Thành quả đem lại dù rất khiêm tốn nhưng đây là điều mà ngày xưa tôi mơ cũng không có được. Vườn măng cụt của tôi còn nhỏ và chưa đến độ sung mãn. Chắc chắn những năm tới đây, sản lượng sẽ đạt cao hơn”.

MINH NGUYỄN - THỦY NGÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=385
Quay lên trên