Tổ quốc bên bờ sóng: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa

Cập nhật: 04-07-2014 | 00:00:00

Kỳ 5: Bến Vân Đồn - nhớ chiến công xưa

> Bài 1: Nam quốc sơn hà

> Bài 2: “Tắt muôn đời chiến tranh”

> Bài 3: Đất thiêng Trà Cổ

>Bài 4: Nước non vững bền

Bến cảng Vân Đồn một chiều biển lặng. Từng con sóng bạc đầu vỗ nhẹ vào các vách núi sừng sững, tung lên những bọt trắng li ti. Biển dịu êm. Xa xa, đoàn thuyền đánh cá đang về. Tiếng còi tàu hú vang. Dòng người trên bờ đã đứng chật cầu tàu. Họ đến để đón người thân từ khơi xa trở về trong niềm vui khoang đầy cá tươi. Vân Đồn, mảnh đất lừng danh về một trận chiến xưa đang bừng lên nhịp sống sầm uất “trên bến, dưới thuyền”...

Vùng đất oanh liệt

Thương cảng Vân Đồn, thuộc huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ xưa, vùng đất này được xem là đất tiền tiêu, là cửa ngõ của Tổ quốc về đường biển. Bởi thế, cha ông ta chưa bao giờ dám lãng quên việc canh phòng trên mảnh đất biên cương này. Thời Trần đặt Bình Hải Quân canh giữ và rất coi trọng vai trò quân sự. Thời Lê, Vân Đồn đổi từ Trấn thành Châu và sai tướng canh giữ, đặt ra các luật lệ khắt khe. Thời nhà Nguyễn đã cho xây dựng nhiều hệ thống đồn canh giữ đất nước về hướng biển.  

Nhộn nhịp thương cảng Vân Đồn hôm nay

Chúng tôi đến Vân Đồn trong ngày biển lặng, du khách qua lại tấp nập. Bên quán nước ven đường, biết chúng tôi là phóng viên, ông Nguyễn Văn Cường, một cựu chiến binh tự hào nói rằng: “Đất Vân Đồn này hiểm lắm! Lịch sử cho thấy, quân xâm lược phương Bắc khi tiến vào nước ta đều phải qua Vân Đồn, nên ở đây có nhiều trận đánh nổi tiếng”. Khu vực Vân Đồn, Bình Liêu, Tiên Yên có vị trí chiến lược rất quan trọng. Từ các địa danh này, theo đường số 4 là đi được từ Quảng Ninh đến Cao Bằng…

Từ bến cảng Vân Đồn, chúng tôi mua vé tàu cao tốc đi đảo Quan Lạn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn) để thăm mảnh đất lịch sử gắn liền với công tích của người anh hùng dân tộc Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Khánh Dư lập được nhiều công trạng, được vua phong Phiêu kỵ tướng quân rồi tiếp tục phong Thượng vị hầu áo tía. Sau vì có lỗi nên bị bãi chức, ông lui về quê cũ ở Chí Linh làm nghề bán than. Ông có làm bài thơ về hoàn cảnh của mình: “Một gánh càn khôn quảy tách ngàn/ Hỏi rằng chi đó, dạ rằng than/ Nghĩ nghề lem luốc toan nghề khác/ Chỉ sợ trời kia lắm kẻ hàn”. Đó là những vần thơ cảm hoài và thể hiện ý chí của kẻ trượng phu. Trong dịp hội nghị ở Bình Than, bàn việc đánh quân Nguyên Mông, ông chở thuyền than đi ngang qua, vua Trần Nhân Tông trông thấy, thương tình và trọng cái tài của ông nên cho phục chức.

Trên đảo Quan Lạn từ lâu đã có đền thờ tướng quân Trần Khánh Dư. Dân làng nơi đây coi Ngài như vị Thành hoàng bảo vệ và phù hộ cho cuộc sống được yên ổn, mùa màng bội thu. Đền rất linh thiêng. Hàng năm, đến ngày 17-6 dân làng đều tổ chức lễ hội đua thuyền mừng tướng quân chiến thắng trở về, đồng thời cầu cho nghề đi biển của ngư dân được cá tôm đầy khoang.

Trận thủy chiến lừng danh

Vào cuối thế kỷ XIII, đất Vân Đồn càng trở nên nổi tiếng với chiến thắng lừng danh trên dòng sông Mang, tiêu diệt toàn bộ đoàn quân chở lương do tướng địch Trương Văn Hổ chỉ huy. Chiến thắng này đã làm rạng rỡ tên tuổi tướng quân Trần Khánh Dư và là yếu tố quyết định mang đến thắng lợi của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3. Thượng hoàng Trần Thánh Tông khi nghe tin Trần Khánh Dư đốt tàu lương địch ở Vân Đồn đã vui vẻ nói: “Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo và khí giới, nay bị ta bắt được, sợ nó chưa biết, có thể còn hung hăng chắc?”.

Năm 1288, 50 vạn quân Nguyên Mông ồ ạt chia làm 3 hướng xâm lược nước ta lần thứ ba. Về đường thủy do tên bại tướng lần trước là Ô Mã Nhi cùng Phàn Tiếp đem 500 chiến thuyền tiến vào biển nước ta. Theo sau đoàn thuyền Ô Mã Nhi là 100 thuyền chở 70 vạn hộc lương, hậu cần chủ yếu của quân xâm lược Mông Cổ do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Nắm được điểm yếu của kẻ địch là lương thực, chủ soái của ta Trần Hưng Đạo đã quyết định giao cho phó tướng Trần Khánh Dư chủ trương quyết chiến từ đầu ở chiến trường ven biển. Sau vài ngày tiến quân không gặp phải sự chống cự của ta nên địch càng chủ quan, hung hăng. Khi tới cửa An Bang (tức Quảng Yên ngày nay), Ô Mã Nhi gặp thủy quân ta, đôi bên giao chiến, quân ta không cản nổi giặc và bị thiệt hại. Nghe tin, thượng hoàng Trần Thánh Tông đã sai trung sứ xiềng Trần Khánh Dư đem về kinh đô trị tội, Khánh Dư bảo với sứ rằng: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày để tôi lập công chuộc tội rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn”. Trung sứ đồng ý. Mục đích xin hoãn 3 ngày của tướng Trần Khánh Dư là để chuẩn bị đánh vào thuyền lương của tướng giặc Trương Văn Hổ.

Đúng như dự đoán, sau khi đoàn binh của Ô Mã Nhi đi qua, các thuyền lương của địch chậm chạp theo sau tiến về cửa Lục và lọt vào trận địa mai phục của ta. Vịnh cửa Lục kín đáo, có dòng sông Mang, có giếng nước ngọt, là sự hấp dẫn lạ thường đối với thuyền đi biển. Trương Văn Hổ đã cho cả đoàn thuyền của mình vào nghỉ trong vịnh. Bất thần, quân ta từ 4 hướng đổ ra, dùng tên lửa cùng các loại vũ khí xông vào chém giết và đốt sạch thuyền lương quân địch. Trương Văn Hổ bỏ chạy thục mạng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực, khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống rất nhiều…”.

Lương thực địch đã bị ta tiêu diệt, không một hạt thóc nào tới miệng những tên quân chiến đấu trên bộ đang mỏi mắt chờ đợi. Nghĩ tướng giặc là Thoát Hoan chưa biết sự tình, Thượng hoàng Trần Thánh Tông liền thả bọn tù binh ở Vân Đồn cho về báo. Sau khi nghe tù binh thuật lại thuyền lương đã bị tiêu diệt, Thoát Hoan như sét đánh ngang tai, buộc phải nghĩ đến kế rút lui để bảo toàn tính mạng.

Chúng tôi được anh Hoàng Trung Tín, người khá am hiểu về vùng đất nơi đây dẫn đến tận nơi diễn ra trận đánh năm xưa, cách trung tâm Quan Lạn 10km. Chiến trường xưa khi thủy triều xuống là một bãi bồi bằng phẳng. Ở giữa hai dãy núi có dòng sông Mang kỳ lạ chảy qua. Giữa khu đất lại có giếng nước ngọt mà dân làng thường gọi là giếng thần, không bao giờ cạn. Phía trên đồi có cây đa hơn ngàn năm tuổi, hình dáng rất ly kỳ, cạnh gốc đa có miếu thờ vua Lý Anh Tông… Tất cả tạo nên một cảm giác rất đỗi linh thiêng. Khi thủy triều lên, vùng đất này mênh mông sóng nước và rất hấp dẫn để thuyền đi biển ghé vào nghỉ ngơi. Chính sự hấp dẫn đến mê hoặc đó đã khiến cho đạo quân chở hơn 70 vạn hộc lương của Trương Văn Hổ bị quân ta vùi chôn vĩnh viễn. Chúng tôi chỉ được ghé thăm vùng đất này chừng một giờ đồng hồ rồi phải đi bộ về ngay trước khi thủy triều lên. Bãi bồi bao la xen lẫn giữa rừng cây mắm bạt ngàn. Thỉnh thoảng thấy nhiều phụ nữ và trẻ em đi săn bắt Sá Sùng, loại giống như giun đất rất có giá trị về dinh dưỡng mà biển cả đã ban tặng cho người dân Quan Lạn.

Ôi! Đứng ở nơi đây mà cảm hoài về lịch sử hào hùng của cha ông. Việt Nam ta - một dân tộc không bao giờ muốn chiến tranh nhưng đã bao lần phải đổ máu xương để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cho con cháu muôn đời mãi phồn vinh.

Kỳ 6: Đưa những con tàu ra khơi

KIẾN GIANG - KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1891
Quay lên trên