Tổ quốc bên bờ sóng: Ngẩn ngơ sóng nước Xuân Đài

Cập nhật: 05-08-2014 | 09:32:37

Chúng tôi đến với vịnh Xuân Đài (Sông Cầu, Phú Yên) trong một buổi chiều tà. Hoàng hôn ánh lên những gam đỏ rực trên bầu trời, in bóng xuống mặt nước biển, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Đến với vịnh Xuân Đài để ngẩn ngơ cùng sông nước và con người ở đây.

>>> Tiếp theo kỳ trước

Kỳ 32: Ngẩn ngơ sóng nước Xuân Đài

 

Vịnh Xuân Đài được xem là một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam

 

Phong phú sản vật biển
Vịnh Xuân Đài, một trong những vịnh biển đẹp nhất châu Á với những rừng cây xanh mát và dãy núi Cô Ngựa lan ra biển dài đến 15km. Núi nhô lên giữa biển, biển bao quanh núi tạo nên vùng vịnh yên ả, khí lành như câu ca dao muôn đời của người dân nơi đây: “Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào/ Vũng Dông, Vũng Mắm vũng nào cũng thương…”. Chúng tôi bước lên thuyền của ngư dân trẻ Bùi Hồng Vinh, bắt đầu chuyến thăm thú vịnh về chiều.
Theo nhiều cứ liệu lịch sử, Xuân Đài là một trong những nơi đặt chân đầu tiên của người Việt trên vùng đất trấn biên Phú Yên khoảng hơn 400 năm trước. Đây cũng là nơi ghi đậm chiến công đầu tiên của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, khi ông vừa tròn 18 tuổi đã xung trận đánh tan đội thủy quân chủ lực của Nguyễn Ánh, mở đầu cho cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ dưới thời vua Minh Mạng. Tại vịnh biển này, nhiều di vật lịch sử như súng thần công, tàu đắm... cũng đã được tìm thấy. Xuân Đài cũng là nơi ghi dấu tập kết của những đoàn thủy quân, tàu cá ngư dân để tiến ra bể Đông, xuôi về phương Nam trong cuộc mở mang, tạo lập cõi bờ của cha ông.
Miên man trong sóng nước Sông Cầu, chúng tôi không khỏi tự hào trước tinh thần khai hoang, mở mang bờ cõi của các bậc tiền nhân thuở trước. Nơi đây còn lưu dấu nhiều chứng tích của người Việt trên biển cả bao la. Những đau thương, mất mát trong chiến tranh không làm quê hương, biển cả bớt phần giàu đẹp và thơ mộng.
Vịnh Xuân Đài hôm nay, trên hơn 130 ngàn km2 mặt nước là cuộc sống ngư nghiệp rất phong phú của ngư dân địa phương. Tính đến nay, có đến hơn 18 ngàn lồng, bè nuôi tôm hùm của bà con địa phương. Con tôm hùm không chỉ là sản vật từ biển cả mà còn là công cụ làm giàu từ biển lớn của ngư dân.
Lão ngư Đồng Xuân Nghĩa, năm nay đã 75 tuổi gắn bó với vịnh Xuân Đài hơn 40 năm, chứng kiến hầu hết những đổi thay của quê hương. Ông vớt con tôm hùm đang sống dưới lồng bè gia đình cười tươi rói: “Chú thấy đó, thời tui đi biển, lặn cả ngày kiếm được vài con tôm hùm mang về đã là kỳ tích huống chi bây giờ bà con ra biển cả bắt tôm hùm giống về nuôi xuất khẩu kiếm ngoại tệ. Vịnh Xuân Đài là nơi rất thích hợp để nuôi loại tôm này. Nhờ đó, đời sống của bà con cũng không ngừng được cải thiện”.
Cuộc hạnh ngộ bất ngờ
Lang thang trên biển rộng, chiều đã tắt nắng khiến con thuyền chở chúng tôi phải nhanh chóng vào bờ. Bên bờ biển TX.Sông Cầu, nhiều du khách đang tập trung ăn uống, trò chuyện. Được biết, thời gian gần đây, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức Festival thủy sản Việt Nam tại Phú Yên. Và một trong những điểm nhấn chính của Festival lại nằm ở TX.Sông Cầu, một đô thị bên bờ vịnh Xuân Đài và là niềm tự hào của chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Yên. Đó là một trong những nỗ lực lớn, dài hơi của tỉnh này trong nhiều năm qua nhằm quảng bá tiềm năng, vẻ đẹp của vịnh Xuân Đài đến với bạn bè trong nước và thế giới.
Dừng chân ở nhà hàng, khách sạn Astop, một cái tên nghe rất ấn tượng và gợi nhớ, chúng tôi có cuộc hạnh ngộ bất ngờ với một người con gắn bó với đất Bình Dương - anh Phan Viết Tường, người đã từng có hơn 10 năm sống và làm việc ở Bình Dương. Chúng tôi quen biết Phan Viết Tường qua những lần tiếp xúc, làm việc với anh ở cương vị là CEO của Công ty Cổ phần Cửa Sổ Mùa Xuân (TX.Bến Cát). Còn nhớ có lần anh tâm sự, Bình Dương là quê hương thứ hai, nơi đã cho anh nhiều thứ từ gia đình đến sự nghiệp. Tưởng như đó chỉ là chuyện phiếm với nhau bên ly cà phê. Vậy mà cũng có dịp chúng tôi và Phan Viết Tường gặp nhau bên bờ sóng vỗ của vịnh Xuân Đài. Giờ anh đã là CEO của Nhà hàng khách sạn Astop, thuộc dự án Khu du lịch Long Hải của Công ty TNHH Liên doanh Hoya - Đại Thuận.
Được biết, chủ đầu tư của dự án Khu du lịch Long Hải là anh Phạm Xuân Nam, cũng là một doanh nhân nhiều năm liền lập nghiệp và thành danh từ đất Bình Dương. Anh Nam cho biết, tôi dù đi xa nhưng vẫn ấp ủ trở về quê hương để mở khu du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp của vịnh Xuân Đài. Chính vì thế, khi gặp Phan Viết Tường, chúng tôi quyết định về đây để thực hiện giấc mơ của mình. Cũng theo anh Nam, nếu trong thời gian tới có cơ hội thuận lợi, anh sẽ nỗ lực gắn kết Bình Dương với vịnh Xuân Đài bằng nhiều hoạt động thiết thực, hấp dẫn.
Lang thang ở vịnh Xuân Đài, ngẩn ngơ bên sóng nước của một trong những danh thắng còn hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến để thêm yêu đất nước, thiên nhiên và con người Việt Nam. Sức sống biển, tinh thần giữ biển và yêu biển của những con người như Phạm Xuân Nam, Phan Viết Tường cũng là vẻ đẹp của tinh thần Việt muôn đời nay vẫn thế…
 

Kỳ 33: Quê anh vùng chiêm trũng

KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=856
Quay lên trên